Afghanistan:

Trồng thuốc phiện phát triển "rực rỡ nhất" khi quan chức lén lút bảo kê

Thứ Tư, 17/04/2019, 21:13
Qua 18 năm kể từ khi Taliban bị mất quyền lãnh đạo, khối lượng sản xuất ma túy ở đất nước này không những không giảm mà còn tăng gấp 45 lần.

"Nhà nước thuốc phiện"

Quốc gia Nam Á này từ lâu không chỉ nổi tiếng bởi chiến tranh, Hồi giáo cực đoan, mà còn là cái nôi thuốc phiện của thế giới. Những năm gần đây, tình hình sản xuất và buôn bán cái chết trắng ở nước này ngày càng tăng. Vì đâu đến nỗi?

Ông John Sopko, người đứng đầu nhóm thanh sát đặc biệt về tái thiết Afghanistan, trong một báo cáo gửi Thượng viện Mỹ mới đây đã cho biết, các cơ sở sản xuất thuốc phiện và các chất gây nghiện trái phép ở Afghanistan đang ngày càng gia tăng. 

Tình trạng trên ở quốc gia Nam Á này gắn liền với nạn tham nhũng và tội phạm, tất cả đang gây ra nguy cơ xuất hiện một "Nhà nước thuốc phiện - tội phạm Afghanistan" trong tương lai. Nhóm thanh sát về tái thiết Afghanistan cũng chỉ ra rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy, một số không ít vùng nông thôn công khai trồng thuốc phiện dưới sự cho phép ngầm của một số quan chức.

Diện tích cây anh túc ở Afghanistan ngày càng tăng.

"Nàng tiên nâu" quyến rũ quốc gia Nam Á

Đã từ lâu, người dân Afghanistan có tập quán trồng cây thuốc phiện, dĩ nhiên là nhựa thuốc phiện dùng để chế xuất ma túy, còn cây thuốc phiện sẽ làm thức ăn cho gia súc, con người, hạt cây thuốc phiện để làm xà phòng và thân cây để sản xuất thuốc nhuộm. 

Sau đó, với sự ra đời của các tuyến đường vận chuyển đã xuất hiện một ngành xuất khẩu hợp pháp, Afghanistan đã từng xuất khẩu 400 tấn thuốc phiện mỗi năm, chủ yếu cho Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Cùng với đó, diện tích trồng cây thuốc phiện (anh túc) cũng ngày một gia tăng. Chỉ trong khoảng thời gian quân đội Liên Xô hiện diện ở Afghanistan những năm 1990, khối lượng sản xuất ma túy đã xuống đến mức tối thiểu.

Tình hình đã thay đổi sau khi phong trào "Taliban" lên nắm chính quyền, họ thiết lập kiểm soát việc buôn bán ma túy và bắt đầu hoạt động có tổ chức. Tổ chức khủng bố này đã hợp pháp hóa thị trường ma túy, buộc những người buôn bán ma túy phải nộp thuế cho chúng. 

Theo các chuyên gia của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), khi đó Taliban đã kiểm soát 45% thị trường heroin toàn cầu. Với mức thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ buôn bán ma túy, Taliban đã có đủ tiền để nuôi dưỡng và trang bị vũ khí cho các nhóm vũ trang. 

Năm 2001, Mỹ tấn công Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban, một số chuyên gia cho rằng, chính sách của Washington ở Afghanistan chỉ làm trầm trọng thêm tình hình, khiến người dân nước này ngày càng phụ thuộc vào cây anh túc. Hiện nay, việc sản xuất các chất ma túy là một nguồn thu nhập duy nhất cho người dân nghèo ở Afghanistan.

Ông Alexander Mikhailov, ủy viên Hội đồng Ngoại giao và Chính sách Quốc phòng Nga đã cáo buộc Mỹ phá hủy toàn bộ nền kinh tế của Afghanistan và hầu như không xây dựng được cái gì mới mẻ, khiến người dân nước này không có một nghề gì để kiếm sống. Người dân nơi đây buộc phải tìm kiếm cơ hội để kiếm tiền. Buôn bán ma túy là cách dễ dàng để tạo ra thu nhập và họ đang phát triển thành công ngành kinh doanh ma túy. 

Kể từ năm 2001, việc buôn bán ma túy bắt đầu "phát triển rực rỡ", hơn cả dưới thời Taliban. Khó có thể xóa bỏ nguy cơ này bởi vì ở Afghanistan xuất hiện một thế hệ trẻ đã lớn lên mà chi biết buôn bán ma túy, xuất khẩu thuốc phiện cho châu Âu và các khu vực khác. 

Các dữ liệu cho thấy rằng, ở Afghanistan hiện nay có tới 14% dân số tham gia vào việc buôn bán ma túy. Khoảng 300.000 trẻ em bị cuốn vào các hoạt động của guồng máy buôn bán này. Bất kỳ công dân nào cũng có thể tham gia kinh doanh ma túy mà không sợ bị trừng phạt.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ở Afghanistan xuất hiện các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS). Tổ chức khủng bố này đang kiểm soát các lô hàng ma túy bất hợp pháp từ Afghanistan xuất sang các khu vực khác. Và quốc gia Nam Á này lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy trồng, sản xuất và buôn bán ma túy. 

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, hoạt động buôn bán, sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp tại Afghanistan đã mang lại nguồn thu nhập khổng lồ từ 100 triệu đến 400 triệu USD cho các nhóm tội phạm và khủng bố tại quốc gia Nam Á này. Hiện nay, số lượng các phần tử khủng bố ở Afghanistan đã là 50.000 người và chúng thuộc phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban và các thành viên của IS.

Nguyễn Lai
.
.
.