Uros: Những “hòn đảo biết đi”

Thứ Tư, 18/07/2018, 10:07
Đến Peru, bên cạnh kỳ quan thế giới mới Machu Picchu, những hòn đảo trôi Uros trên hồ Titicaca luôn là điểm đến không thể bỏ qua…


Người ta ước tính có hơn 25 con sông chảy vào hồ Titicaca, hồ cao nhất thế giới nằm trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes, phía đông nam Peru giáp Bolivia. Trong lòng hồ có đến 41 hòn đảo nhân tạo Uros “Islas Flotantes” - nghĩa là những hòn đảo nổi - được dựng hoàn toàn bằng lau sậy. Tại đây có tộc người Ursus vẫn còn giữ lối sống truyền thống độc đáo và cuộc sống thường nhật của họ khá sinh động.

Người ta tin rằng Uros là một trong những nhóm dân tộc đầu tiên trong khu vực Andean. Những người này chỉ là những ngư dân hay thợ săn chim; họ có khuynh hướng sống cô lập khỏi những nền văn minh tiên tiến hơn. Điều này có thể là lý do tại sao họ quyết định sống trong ngôi nhà di động trên hồ, tách xa hẳn thế giới bên ngoài. 

Khi những người ghi chép sử Tây Ban Nha gặp Uros vào cuối thế kỷ XVI, các Uros vẫn còn sinh sống trong những chiếc thuyền bằng sậy mà họ sử dụng làm nhà nổi trên hồ. 

Chỉ đến đầu những năm 60 thế kỷ trước, các Uros  mới bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo nhỏ với lau sậy và làm những ngôi nhà nhỏ cho họ. Cây lau sậy vẫn còn rất quan trọng đối với những người Uros. Đó là nguyên liệu chính để làm nên thuyền, xây dựng nhà ở, làm thức ăn cho một số vật nuôi và thậm chí còn được sử dụng để nấu ăn.

Một trong những truyền thống vẫn còn lưu giữ sống động trên hồ là việc tạo ra những "hòn đảo" - xây nhà, làm thuyền đều bằng sậy khô. Những hòn đảo này đã trở thành điểm thu hút du khách chính cho Peru. 

Sau một thời gian, “đảo” từ từ chìm xuống, vì thế cứ khoảng 6 tháng, người dân Uros lại phải nâng cao ngôi nhà của mình và xây dựng những cái khác trên các vùng lau sậy mới. 

Ở các hòn đảo lớn, thường có khoảng 10 gia đình sinh sống; còn những hòn đảo nhỏ với diện tích khoảng 30 m2 sẽ có 2 - 3 gia đình. Họ đan rễ sậy thành một khối dày. Thế nhưng do rễ sậy rất nhanh bị rữa do đó họ sẽ trồng thêm sậy ở trên hồ.

Khi đến làng nổi Uros, bạn có thể mặc những bộ váy xòe truyền thống nhiều màu sắc sặc sỡ của dân địa phương để chụp ảnh kỷ niệm. Ngoài ra, bạn có thể mua những món quà lưu niệm hết sức dễ thương được làm từ lau sậy: những chiếc thuyền nhỏ mô phỏng lại từ chiếc thuyền đặc trưng hay những biểu tượng của Peru, vòng làm bằng tay nhiều màu sắc, cài áo xinh xinh hình bé gái Peru…

Đến làng Taquile, bạn sẽ thấy những người đàn ông địa phương trong trang phục áo choàng trắng với chiếc mũ màu đen đặc trưng của họ. Hình dạng và màu sắc của mũ sẽ cho bạn biết người đàn ông còn độc thân hay đã lập gia đình. Điều đó giúp cho những người phụ nữ dễ dàng hơn trong việc tìm chọn bạn đời. 

Làng Taquile có khoảng 1.200 cư dân. Từ thập niên 1970, họ bắt đầu trở nên nổi tiếng với việc tham gia vào các hoạt động du lịch, tự tổ chức và  cung cấp dịch vụ du lịch như nhà nghỉ, nhà hàng và vận chuyển tàu.

Cuộc sống trong những ngôi làng thật đơn giản, mộc mạc và yên bình. Phần lớn người dân ở làng Taquile nói tiếng Quechua, một ngôn ngữ thổ dân từ thời xa xưa của Peru. Bất đồng ngôn ngữ không là một vấn đề gây cản trở trong giao tiếp. Bạn sẽ cảm nhận được điều đó qua từng ánh mắt, cử chỉ đầy thân thiện và tình cảm nồng ấm của người dân nơi đây. 

Hầu hết khách du lịch khi đến đây đều mua mang về những mảnh vải đa màu sắc đặc trưng hay những tấm áo choàng, những chiếc khăn quàng cổ để làm quà lưu niệm. Những tấm vải cũng như quần áo không chỉ rất nổi tiếng về chất lượng, mà còn lạ bởi hầu hết chúng được làm từ bàn tay những người đàn ông trong gia đình.

Một nét đặc biệt trong cách sinh sống của các cộng đồng người dân trên hồ Titicaca là họ không có bất kỳ đồ dùng nấu nướng hiện đại nào. Để tiện cho việc nấu nướng mà không làm bắt lửa vào ngôi nhà, họ đã tạo một đống đá nhỏ đủ cao để đốt lửa ở bên trên; đồng thời không làm cho lửa có thể bén xuống. 

Tập quán này có từ thời Inca khi các bộ lạc này có truyền thống xây dựng các hòn đảo nhân tạo bằng rơm và cỏ. Đến lượt các hậu duệ của mình, họ vẫn sử dụng rơm để kết thành một cái bè lớn, rồi dựng nhà, nuôi gia súc ngay trên chiếc bè nổi này và chung sống với nhau thành làng như cách mà tổ tiên họ đã sống từ hàng ngàn năm qua.

Khi những tia nắng ban mai chiếu trên hồ, mặt hồ trở nên xanh biếc long lanh dưới ánh nắng đẹp tựa bức tranh. Ngược xuôi trên hồ, bạn sẽ chứng kiến câu chuyện kỳ lạ của những bộ tộc vẫn còn sống bằng cách sống đơn giản nhất và tự do nhất.

Trần Thắng
.
.
.