“Thằn lằn chuột”: Loài khủng long biết bò rồi mới biết đi
- Cắm mốc theo dõi diễn biến của đảo cát “khủng long” ở Hội An
- Xe off-road “khủng long bạo chúa” của tỷ phú 63 tuổi
- “Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ” khuynh đảo phòng vé
Khủng long Mussaurus patagonicus sống cách đây khoảng 200 triệu năm ở Argentina ngày nay. Cái tên Mussaurus nghĩa là thằn lằn chuột, được các nhà khoa học đặt cho loài khủng long này vì kích cỡ nhỏ bé của nó khi tìm thấy hóa thạch.
Tuy nhiên, các cuộc khai quật tiếp theo đã tìm ra phiên bản khổng lồ của loài vật này. Sau đó, các nhà khoa học đã nhận ra rằng hóa thạch ban đầu tìm được chỉ là một con Mussaurus mới sinh. Con vật trưởng thành có thể nặng hơn như thế rất nhiều lần.
Theo các nhà nghiên cứu, một con Mussaurus patagonicus lúc còn bé sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay của một người lớn và nặng khoảng 60 gr. Ở giai đoạn này, con vật có đầu và cổ tương đối lớn, cẳng chân phát triển tốt, nó sẽ sử dụng để di chuyển trên tất cả 4 chân.
Tuy nhiên, khi nó tăng kích thước và mọc đuôi dài hơn, trọng tâm khối lượng cơ thể sẽ chuyển sang vùng xương chậu, cho phép nó đứng lên bằng 2 chân. Và việc xem xét chiều dài đuôi và cổ là quan trọng nhất khi tìm hiểu khủng long có đứng thẳng hay không, điều này quan trọng hơn sự cân bằng giữa chiều dài chân sau và chiều dài chân trước.
Nghiên cứu mới cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm đầu đời sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cách nó di chuyển. Ở giai đoạn trưởng thành, Mussaurus patagonicus dài khoảng 6 m và nặng hơn 1.000 kg.
Những phát hiện này dựa trên các bản dựng 3D được tạo ra từ hóa thạch mô tả 3 giai đoạn quan trọng của cuộc đời khủng long: ấp trứng, 1 tuổi và trưởng thành, sau đó thêm các đặc điểm vật lý như đầu, cổ, thân, đuôi và chân tay.
Tiến sĩ Andrew Cuff, nhà nghiên cứu sinh vật học của Đại học London, chia sẻ: "Chúng tôi đã đấu tranh để tìm thấy bất kỳ động vật nào khác ngoài con người trải qua quá trình chuyển đổi đó. Mussaurus trải qua một chuỗi tăng trưởng đặc biệt. Chúng được nở ra tương tự như một chú gà con, nhưng trong những năm sau đó chúng trở nên nặng nề như một con tê giác, và sau đó chúng sẽ đi bằng 2 chân thay vì bằng 4 chi".
Nhà nghiên cứu cổ sinh học Alejandro Otero từ Bảo tàng La Plata ở Argentina nói:
"Chúng tôi không biết liệu mô hình này có áp dụng cho tất cả các loài sinh trưởng hay không. Nhưng thực tế là nhóm động vật này đã thay đổi chuyển động của chúng từ 4 chân khi còn bé sang 2 chân khi trưởng thành theo cách rất giống với con người. Việc chuyển đổi chuyển động như vậy rất hiếm trong tự nhiên và thực tế là chúng đã bị tuyệt chủng như loài khủng long Mussaurus patagonicus, điều này làm nổi bật tầm quan trọng trong phát hiện thú vị này của chúng ta. Quả thật rất hấp dẫn”.