Săn tìm mỏ vàng ông Hà Lan

Thứ Tư, 01/03/2017, 11:20
“Mỏ vàng bị mất của Ông Hà Lan” là một lời đồn suốt bao năm, đến nay vẫn có người muốn săn tìm. Nó được cho là được giấu ở đâu đó trên rặng núi Dị đoan ở bang Arizona (Mỹ). Nó được đồn như thế nào?


Lời đồn đại có từ thế kỷ 16. Người ta đồn rằng trên dãy núi lởm chởm đá khô cằn này có nhiều hang động, là nơi sinh sống của bộ tộc da đỏ Apache.

Họ chôn nhiều vật thiêng và kho tàng nhiều báu vật, trong đó có cả một “kho vàng bị mất”. Người da đỏ làm nhiều bùa phép để bảo vệ và giữ kín bí mật khu này.

Khi các tu sĩ Tây Ban Nha đến vùng đất nay là 2 bang Arizona và New Mexico để truyền giáo, người da đỏ giúp họ đào vàng gửi về  dâng cống Vua Tây Ban Nha. Cuối thế kỷ 18, các tu sĩ dòng Tên bị đuổi khỏi Mexico và người ta tin rằng họ chưa kịp mang về, vẫn còn giấu ở đâu đó nhiều mỏ vàng, kho báu cùng quặng vàng.

+ “Lời nguyền” ác 

Vào những năm 1840, dòng họ Peralta người Mexico mở nhiều mỏ đào vàng trên núi Dị đoan và năm 1848, gia đình này mở tiệc lớn… nhưng bị dân da đỏ tấn công, thảm sát. Chỉ còn một người của dòng họ này may mắn trốn thoát qua Mexico.

Cho đến ngày nay, người ta nói vẫn còn dấu vết những cuộc đụng độ giữa quân Tây Ban Nha với bộ lạc Apache tại vùng đất nay gọi là “Cánh đồng thảm sát”: vũ khí cũ, đồ phụ tùng xe hỏa và dụng cụ đào vàng…Truyền thuyết kể rằng gia đình Peralta chôn giấu tài sản của họ dưới các tảng đá.

Hoạt động đãi vàng ở lễ hội “Ngày người Hà Lan”.

Nhiều bản đồ xuất hiện nhưng những người tuyên bố đã tìm ra mỏ vàng Peralta đều không thể quay trở lại nơi ấy, do gặp rắc rối, thời tiết xấu hoặc thiên tai, và nhất là có thể họ đã bị “Lời nguyền núi Dị đoan” của người da đỏ trừ khử.

Vào những năm 1870, Jacob Waltz tìm đến núi Dị đoan. Ông là người Đức nhưng có biệt danh “Ông Hà Lan”, được cho là đã tìm thấy mỏ vàng Peralta vào năm 1876, từ sự giúp đỡ của một hậu duệ của dòng họ Peralta.

Theo nhà sử học Tom Kollenborg, Waltz từng là sinh viên ngành mỏ nên biết được núi Dị đoan có vàng và đã tìm ra. Năm 80 tuổi, ông quyết định chôn số vàng để bảo vệ: đào một lỗ sâu hoắm ở cửa vào mỏ, chất đầy củi vào lỗ rồi dùng đá và bùn để lấp miệng lỗ. Vài tháng sau, ông bị phù phổi và được đưa đến nhà bà bạn Julia Thomas.

Clay Worst thuộc Hội Lịch sử núi Dị đoan kể: Lúc hấp hối, Waltz tiết lộ cho bà biết có một hộp đựng vàng dưới giường, và nói nhờ nó mà ông có thể sống ung dung nhiều năm.

+ Mơ triệu phú

Waltz còn khoe số vàng trong mỏ đủ giúp 20 người trở thành triệu phú. Rồi ông chỉ vị trí mỏ vàng cho bà Thomas và thợ mỏ Rhinehart Petrasch, nhưng ông chết mà không đưa bản đồ cho họ.

Họ chỉ dựa theo lời kể của “Ông Hà Lan” để đi tìm. Worst kể, Waltz nói ánh nắng mặt trời chiếu vào lối vào mỏ, làm các thỏi vàng lấp lánh nên họ nghĩ mỏ vàng phải ở triền núi phía tây.

Cổng vào mỏ vàng “thị trấn ma” Goldfied trên núi Dị đoan.

Nhưng họ không tìm ra được “Mỏ vàng bị mất của Ông Hà Lan”, có thể cũng do bị “Lời nguyền núi Dị đoan”: Bà Thomas đầu tư rất nhiều tiền cho cuộc săn vàng nhưng trở về không một xu dính túi và “thề” không bao giờ trở lại núi này nữa.

Petrasch tiếp tục tìm kiếm suốt 50 năm sau nhưng khi hiểu ra đó là “công cốc”, ông ta tự tử. Một thông tin khác: đối tác của “Ông Hà Lan” là Jacob Weiser đã giấu một số vàng ở vùng đất lân cận.

Sau này, Weiser bị người da đỏ hoặc Waltz  giết, hoặc đã chuyển đến Phoenix và chết già ở đó năm 1891 (Waltz cũng chết năm này). Weiser  cũng xác định vị trí mỏ vàng cho bà Thomas.

Gần 100 năm sau, một tay săn vàng tuyên bố đã tìm thấy “Mỏ vàng bị mất của Ông Hà Lan”. Walt Gassler dựa vào lời kể của Waltz, dành hết thời gian rảnh để tìm mỏ vàng huyền thoại này.

Khi tuổi cao sức yếu, Waltz liên lạc với hai người săn vàng khác, gồm Bob Corbin. Tay này kể Waltz muốn ông ta tiếp tục cuộc tìm kiếm, đã đưa một bản đồ và những chỉ dẫn cần thiết.

Kollenborg nói Gassler đã liên lạc với ông, do ông là đối tác của Corbin. Gassler khoe đã xác định được vị trí mỏ vàng, nhưng sáng hôm sau, vợ Gassler cấm: “Ông mà đi tìm thì biết tay tôi”. Gassler vẫn một mình lên núi Dị đoan 3 ba ngày sau Don Shade tìm thấy thi thể ông. Cuộc giải phẫu tử thi kết luận Gassler chết vì đau tim.

+ Cướp tấm bản đồ

Một tháng sau cái chết của Gassler, Kollenborn bất ngờ có khách: Roland Gassler, con trai của Gassler. Anh này trưng ra một thỏi vàng và nói bố anh đã đưa anh giữ. Kollenborg kể trông rất giống vàng từ “Mỏ vàng bị mất”. Roland muốn dùng bản đồ và các ghi chú để tiếp tục sự nghiệp săn vàng của bố, nên Kollenborg đưa cho anh ta.

Hai tháng trôi qua, ông không nghe được tin tức nào của Roland. Rồi tối nọ khi đang đọc sách, một người khác đến gặp ông, tự xưng là Roland Gassler: “Mồm tôi há hốc vì ngạc nhiên. Tôi đòi anh ta chìa giấy tờ gì đó để chứng minh sau khi cho anh ta biết tôi đã gặp hai Roland Gassler hoàn toàn khác nhau trong vòng hai tháng”. Người ấy trình thẻ căn cước: anh ta đúng là Roland Gassler.

Vậy Roland kia là tên giả danh để chiếm đoạt tấm bản đồ. Nhưng anh ta lấy thanh vàng từ đâu? Khi Gassler “bố”chết, biên bản cảnh sát có ghi nhận một túi đeo lưng đựng tài sản, nhưng con trai ông chẳng bao giờ nhận được nó.

Một dấu vết đào mỏ vàng ở núi Dị đoan.

Don Shade là người tìm thấy xác Gassler, cũng nhớ có trông thấy túi đeo lưng, và còn kể: “Hôm ấy còn một người khác đứng gần. Sau này Kollenborg mô tả người tìm đến ông và đưa ông xem thanh vàng, tôi nhận ra chính là người đàn ông ấy”.

Có lẽ Roland Gassler giả đã chiếm đoạt chiếc túi ấy. Liệu hắn có tìm được mỏ vàng? Nếu như mỏ vàng ấy có thật, hiện nó có giá trị khoảng 200 triệu USD.

Nhưng nếu có người tìm ra, toàn bộ số vàng ấy vẫn thuộc về Chính phủ Mỹ, do núi Dị đoan đã được tái xếp hạng “khu bảo tồn hoang dã quốc gia”. Điều không cản những tay săn vàng hiện đại vẫn đi tìm “Mỏ vàng bị mất của Ông Hà Lan”.

+ Nơi quỷ đùa

Núi Dị đoan được đặt tên vì ở đây cũng có những truyền thuyết về những sự kiện siêu nhiên không thể giải thích được. Ngoài “Lời nguyền của núi”, còn có chuyện đó là nơi ở của một loài người - bò sát từ thế giới khác đến săn những người dân, hoặc các tia sáng kỳ lạ chớp lòa trong đêm, hoặc những con tàu ma lướt qua trôi lại…Có thông tin dân da đỏ Apache từng gọi dãy núi là “Vườn chơi của quỷ sứ”.

Ngày nay, nơi này là một điểm đến du lịch, có bảo tàng và hoạt động đãi vàng cho du khách. Hàng năm tại đây có lễ hội “Ngày Người Hà Lan”, khoảng 30.000 lượt du khách đến vui chơi, xem lễ hội hóa trang, cao bồi đua vật bò… và nguồn doanh thu sau khi trừ chi phí tổ chức được dùng tặng cho các quỹ từ thiện vì trẻ em.

Bảo Vĩnh (tổng hợp)
.
.
.