Homo luzonensis: Tổ tiên “thất lạc” của loài người?
- Bàn tay đồng 3.500 tuổi cùng thi thể trong mộ - bộ phận cơ thể giả đầu tiên của lịch sử loài người
- Đột phá trong cuộc chiến chống ung thư loài người
- Robot và ảo tưởng thần thánh của loài người
Người cổ đại Homo luzonensis được cho là có hình dáng nhỏ hơn cả người hobbit, tìm thấy trong hang động Callao, thuộc đảo Luzon, Philippines, được cho là đã sống trên đảo Luzon ít nhất 50.000 đến 67.000 năm trước.
Họ chỉ cao chưa đầy 1,2m, có xương bàn chân và ngón tay cong như Australopithecus nhưng lại có những răng hàm nhỏ trông giống như của người hiện đại.
Họ có thể đi thẳng giỏi như chúng ta nhưng do điều kiện sống trên đảo khiến họ có xu hướng trở lại lên cây, nghĩa là loài người tí hon bí ẩn ở Philippines vẫn còn đu đưa trên cây như những vượn nhân hình của hàng triệu năm trước đó.
“Phát hiện mới này khiến tôi rất hồi hộp”, Giáo sư Yousuke Kaifu, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Quốc gia Tokyo, cho biết qua email. “Nó làm nổi bật hơn nữa sự đa dạng đáng chú ý của các hominin cổ xưa từng có mặt ở châu Á, nằm ngoài mong đợi của tôi”.
Aida Gómez -Robles, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học College London, nói một cách dứt khoát rằng phát hiện này đại diện cho một loài mới; đồng thời tất cả các khả năng để giải thích các hóa thạch bất thường đều hấp dẫn như nhau.
Matthew Tocheri, Giáo sư nhân chủng học tại Đại học Lakehead ở Ontario, Canada, người chuyên về nguồn gốc con người, cho hay phát hiện này sẽ “châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận khoa học trong những tuần, tháng và năm tới".
Thực ra phải mất nhiều năm để các nhà khoa học có thể tìm thấy hài cốt của người cổ đại Homo luzonensis. Sau khi các nhà khoa học tìm thấy những mẩu xương ngón chân nhỏ hơn cả xương của loài người lùn Hobbit trong hang Callao năm 2007, họ đã lên kế hoạch khai quật tiếp theo vào năm 2011 và 2015. Tổng cộng, họ đã phát hiện ra 13 xương và răng hóa thạch thuộc về ít nhất 2 người trưởng thành và một đứa trẻ, bao gồm 2 xương tay, 3 xương chân, xương đùi và 7 răng.
Theo một nghiên cứu, một trong những hóa thạch này có niên đại 50.000 năm trước, cho thấy Homo luzonensis từng có thời gian tồn tại song song với người Neanderthals, Denisovans, Homo floresiensis (Hobbit) và cả loài sinh sau đẻ muộn nhất của chi Người là Homo sapiens (người tinh khôn, người hiện đại - chính là chúng ta ngày nay).
Thời điểm đó, tổ tiên Homo sapiens chúng ta dù ra đời muộn cũng đã trải qua hơn 250.000 năm lịch sử, đã đứng thẳng và biết dùng nhiều công cụ. Tuy nhiên, loài người tí hon bí ẩn ở Philippines thì vẫn còn đu đưa trên cây.
Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được làm cách nào mà các tổ tiên thuộc chi Người đã di chuyển đến Luzon, vốn luôn là một hòn đảo tách biệt hẳn với lục địa và không hề có bằng chứng về một dải đất bắc cầu cổ xưa đã biến mất nào. Ước tính cuộc di cư bí ẩn đã diễn ra ít nhất 700.000 năm trước, niên đại của những hài cốt động vật được con người xẻ thịt lâu đời nhất tìm thấy tại Luzon.
Việc truy tìm nguồn gốc cổ xưa hơn của loài người lùn mới này đang gặp khó khăn bởi khí hậu ẩm ướt tại Luzon đã làm các hóa thạch không còn tốt, không thể trích xuất được DNA. Tuy nhiên, một số protein vẫn có thể được chiết xuất từ xương và giải đáp ít nhiều thắc mắc về cây gia phả của họ.