Vượt mốc 14 triệu ca nhiễm, COVID-19 “khuấy đảo” nhiều quốc gia

Chủ Nhật, 19/07/2020, 07:13
Thế giới đang chứng kiến sự lây lan khủng khiếp của COVID-19 khi chỉ trong 5 ngày số ca bệnh toàn thế giới tăng thêm 1 triệu ca. Kể từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, sau 3 tháng số ca bệnh chạm mốc 1 triệu trường hợp.

 

Tới ngày 13/7, thế giới mất 5 ngày để số ca bệnh nhảy từ 12 triệu lên 13 triệu trường hợp. Đến ngày 18/7, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới vượt mốc 14 triệu người.

Trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 mới cũng tăng lên mức kỷ lục 237.734 trường hợp. Theo báo cáo hàng ngày, Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi lần lượt là những nước có số ca mắc tăng cao nhất. Kỷ lục trước đó được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận là vào hôm 12/7 với 230.370 ca nhiễm/ngày. Như vậy, tính đến hết ngày 17/7, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên gần 14 triệu người, đánh dấu một mốc quan trọng khác trong sự lây lan của căn bệnh đã giết chết hơn 590.000 người trong 7 tháng qua.

Thế giới liên tiếp ghi nhận những cột mốc mới đáng lo ngại về COVID-19.

Vùng dịch lớn nhất thế giới vẫn là nước Mỹ với ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm và hơn 142.000 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 77.255 ca mắc mới. Đây cũng là số ca mắc kỷ lục mà Mỹ ghi nhận trong ngày kể từ đầu mùa dịch. Mô hình nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cuối tháng trước dự đoán ca tử vong do COVID-19 ở nước này có thể tăng lên 150.000 vào tháng 8/2020. 

Các quan chức Mỹ cho hay, họ lo ngại các bệnh viện sẽ sớm chạm ngưỡng chịu đựng nếu xu hướng gia tăng ca bệnh không thay đổi. Ở California, bác sĩ phải đưa bệnh nhân đi xa tới gần nghìn kilomet vì không thể chăm sóc họ tại nơi họ ở. Ở Florida, y tá từ các bang khác phải về đây để viện trợ cho nhân viên y tế đã kiệt sức. Còn ở Texas, các thị trưởng đòi quyền đóng cửa các thành phố để tránh tình trạng bệnh viện quá tải. 

Cuộc khủng hoảng hiện tại khắp khu vực Vành đai Mặt trời khiến quân đội cũng phải hỗ trợ, nhưng họ cũng gặp khó khăn vì không thể xây dựng các cơ sở dã chiến kịp với tốc độ bệnh nhân nhập viện. Xe cứu thương thỉnh thoảng phải chờ ở ngoài phòng cấp cứu vì bệnh viện không còn chỗ chứa thêm bệnh nhân. Các bệnh viện ở nông thôn có thể quá tải cho dù chỉ có ít bệnh nhân COVID-19. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng, một số bệnh viện đã mở lại khu vực không sử dụng hoặc đặt thêm giường vào phòng cấp cứu hoặc phòng phục hồi. Các bệnh viện không chỉ lo vấn đề thiếu nhân viên y tế mà còn lo về sức khỏe của họ.

Xếp sau Mỹ là Brazil khi số ca mắc COVID-19 không còn ở cấp số nhân, nhưng quốc gia Nam Mỹ này đang ở “tâm của cuộc chiến” khi số ca mắc mới và số người thiệt mạng vẫn tăng hàng chục nghìn ca mỗi ngày. 

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn của WHO, Tiến sĩ Mike Ryan cho biết, số ca nhiễm mới tại Brazil hiện ở mức 40.000 đến 45.000 mỗi ngày, trong khi số ca tử vong mỗi ngày là khoảng 1.300 ca. 

Ông Mike Ryan nói: “Khi những con số đó ổn định, có cơ hội để giảm các ca nhiễm mới. Tôi nghĩ giờ là thời cơ của Brazil. Tuy nhiên, sẽ cần có một hành động chắc chắn và bền bỉ để kiểm soát được dịch bệnh. Tôi hy vọng các nhà chức trách Brazil, các nhân viên y tế tuyến đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh”.

Tại châu Á, Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, ở mức 34.820 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 1 triệu người. Phần lớn ca nhiễm tại nước này tập trung ở Mumbai và New Delhi. Tuy nhiên, virus cũng đang lây lan tại những thành phố nhỏ hơn, buộc chính quyền địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế. 

Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 18/7 cho biết đã ghi nhận 22 ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục trong ngày 17/7, trong đó 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Không có ca tử vong mới. Như vậy, đến hết ngày 17/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đại lục đã lên tới 83.644 ca, trong đó 252 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, 3 người trong tình trạng nguy kịch. Tổng số ca tử vong là 4.634 ca. Tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, tổng cộng 1.713 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Tại Khu hành chính đặc biệt Macau có 46 ca nhiễm và trên đảo Đài Loan có 454 ca nhiễm, trong đó 7 ca tử vong. 

Trong khi đó, tại châu Âu, dịch bệnh đang tiếp tục xu thế “hạ nhiệt”, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, hiện các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng cho thời kỳ hậu COVID-19 do vấp phải ý kiến phản đối từ nhóm nước theo chủ trương “thắt lưng, buộc bụng” mà đứng đầu là Austria và Hà Lan.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 16/7, Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC) thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kết quả công trình nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ giữa hoạt động đi lại và sự phát tán của virus SARS-CoV-2. 

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên việc phân tích các dữ liệu tổng hợp vị trí điện thoại di động của những người sử dụng được giấu tên. 14 nhà mạng điện thoại di động tại 19 nước thành viên của EU và Norway đã tình nguyện cung cấp các dữ liệu này để phục vụ cho công trình nghiên cứu. 

Theo nghiên cứu, kết quả phân tích dữ liệu đã đưa ra bằng chứng rõ ràng về tác động của hoạt động đi lại đối với việc phát tán virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Việc di chuyển của những người mắc bệnh là nguyên nhân ban đầu khiến dịch bệnh lây lan tại Italy, Pháp và Tây Ban Nha. 

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu còn cho thấy các biện pháp phòng chống dịch mà chính phủ các nước EU triển khai như giãn cách xã hội và hạn chế đi lại đã chứng tỏ mang lại hiệu quả trong kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.