Vật lộn trong "bão" COVID-19, Iran thúc giục Mỹ dừng cấm vận

Thứ Ba, 24/03/2020, 10:53
Iran hối thúc Mỹ dừng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống nước này, trong bối cảnh Tehran thiếu hụt trầm trọng nguồn lực chống dịch COVID-19.

Người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur cuối ngày 23/3 cho biết tổng số ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại nước này đã tăng lên 1.812 trường hợp, bao gồm 127 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, theo Reuters.

Người phụ nữ Iran ngồi cạnh mộ người thân thiệt mạng vì COVID-19 ở Iran. Ảnh: Anadolu

Số ca nhiễm trên toàn Iran đã lên đến 23.049 trường hợp, lớn nhất Trung Đông và đứng thứ 6 thế giới, sau Trung Quốc, Italia, Mỹ, Tây Ban Nha và Đức. Số người đang nằm viện tại Iran là gần 13.000 với nhiều ca diễn biến nặng.

Từ khi dịch khởi phát, Iran đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay phòng ngừa dịch lan rộng, nhưng cảnh sát địa phương cho biết hàng triệu người Iran vẫn phớt lờ cảnh báo hạn chế đi lại trong dịp Tết Ba Tư, bắt đầu từ hôm 20/3.

Các chuyên gia cảnh báo dịch COVID-19 tại Iran có thể diễn biến khó lường với số ca nhiễm mới tăng nhanh trong vài tuần tới. Iran hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật tư y tế, một phần do phải hứng chịu các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ.

Trong động thái bất ngờ, Washington mới đây đề xuất giúp đỡ Iran chống COVID-19 bằng hàng viện trợ, song Tehran đã khước từ lời đề nghị này. Hôm 23/3, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nếu Mỹ thực sự muốn giúp Iran, Washington nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

“Giới tinh hoa Mỹ đang nói dối. Nếu họ muốn giúp Iran, tất cả những gì họ cần làm là dỡ bỏ trừng phạt. Sau đó, chúng ta có thể đối phó hiệu quả với dịch COVID-19”, Tổng thống Rouhani nói. “Mỹ đã chặn xuất khẩu dầu mỏ của Iran, chặn các giao dịch ngân hàng của Iran. Đề xuất giúp đỡ của Mỹ là lời nói dối”.

Trước đó, Nga cũng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Iran vì dịch COVID-19. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, Mỹ nên nhận thức rõ sự khác biệt giữa việc "phân phát hàng viện trợ nhân đạo một lần" và việc Iran thiếu hụt nguồn ngân sách ứng phó dịch bệnh do không thể xuất khẩu hàng hoá.

Thiện Nhân
.
.
.