Tổng thống Pháp Francois Hollande và chuyến công du châu Á cuối cùng
- Bầu cử Tổng thống Pháp: Ông Macron giành thêm nhiều sự ủng hộ
- Bầu cử Tổng thống Pháp 2017: Không có gì là chắc chắn
- Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua khó đoán định
Ngày 29-3, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới thăm Indonesia, chuẩn bị kết thúc hành trình thăm 3 quốc gia ở châu Á kéo dài gần 1 tuần.
Trước đó, trong ngày 26 và 27-3, ông Francois Hollandeđã đạt được sự nhất trí cao với các nhà lãnh đạo Singapore về việc tăng cường chặt chẽ hơn trong các ngành công nghiệp liên quan đến sáng tạo, bao gồm công nghệ không gian, quy hoạch thành phố thông minh, công nghệ tài chính và y tế, khoa học y sinh.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã đồng ý gọi năm 2018 là “Năm đổi mới sáng tạo Pháp-Singapore”.
Còn Tổng thống Singapore Tony Tan thì tin tưởng rằng, chuyến thăm của Tổng thống Francois Hollande tới Singapore sẽ đưa quan hệ đối tác đa dạng và hữu nghị giữa Singapore-Pháp lên một tầm cao mới.
Tổng thống Pháp Francois Hollande chào các thành viên Chính phủ Malaysia tại Kuala Lumpur trong chuyến công du hôm 28-3. Ảnh: Awani. |
Đặc biệt, Singapore và Pháp cũng ưu tiên tăng cường các hệ sinh thái đổi mới tương ứng, bao gồm các chương trình thúc đẩy nghiên cứu và phát triển cũng như hỗ trợ các nhà doanh nghiệp đổi mới. Bằng chứng là 10 Hiệp định đã được ký kết, mở đường cho sự hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực như kỹ thuật số, năng lượng và xe điện.
Cho đến nay, trong các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU), Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Singapore. Hiện có hơn 1.800 doanh nghiệp Pháp và khoảng 15.000 công dân Pháp đang kinh doanh cũng như sinh sống và làm việc tại Singapore…
Ngày 28-3, Tổng thống Pháp Francois Hollande có mặt tại Malaysia, bắt đầu chuyến công du tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Francois Hollande cho rằng đây là thời điểm thích hợp để hai nước ký kết một Ý định thư thành lập cơ chế nhằm phát triển bền vững nông nghiệp, hai bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, mở đường cho trao đổi thông tin song phương trong lĩnh vực quốc phòng.
Bản thân Tổng thống Francois Hollande cũng khẳng định, Pháp sẵn sàng đàm phán với Malaysia về giá của các tiêm kích Rafale xung quanh thương vụ mua sắm các máy bay chiến đấu hiện đại này.
CNA dẫn lời Tổng thống Francois Hollande nói: “Thương vụ mua sắm các tiêm kích Rafale được cho là một trong những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sĩ của chuyến thăm tới Malaysia lần này. Rafale là dòng máy bay tốt nhất và Pháp sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết”.
Một nguồn tin từ Điện Elysee cho biết, Malaysia là một trong những nước mua sắm các trang thiết bị quân sự của Pháp với số lượng lớn. Malaysia từng mua máy bay vận tải quân sự Airbus A400M và nhiều tàu ngầm của Pháp và đang để mắt tới các máy bay chiến đấu Rafale cho một kế hoạch mua sắm tới 18 tiêm kích với gói hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi cuối năm ngoái cũng tiết lộ rằng, giới chức Malaysia đang xem xét 2 dòng chiến đấu cơ là Rafale của Pháp và Eurofighter Typhoon của BEA Systems (Anh).
Hãng Channel Asia News cho hay, Tổng thống Francois Hollande là Tổng thống Pháp thứ 2 tới Malaysia trong vòng 15 năm (trước đó vào năm 2003, Tổng thống Jacques Chirac đã tới Malaysia).
So với Singapore, kim ngạch thương mại giữa Pháp-Malaysia vẫn thua xa nhưng Pháp vẫn đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia ở châu Âu. Năm 2016, thương mại song phương Malaysia-Pháp tăng 6,3% so với năm 2015, lên mức 15,23 tỷ ringgit (khoảng 3,5 tỷ USD)…
Giới quan sát nhận định, chuyến công du nước ngoài cuối cùng của Tổng thống Pháp Francois Hollande trước khi rời Điện Elysee tới 3 quốc gia Đông Nam Á lần này được coi là lời khẳng định rõ ràng của chính quyền Paris đối với chính sách hướng Đông mà nước này đang theo đuổi. Đây cũng là một trong những trọng tâm chiến lược trên bàn cờ ngoại giao của Pháp.