Bầu cử Tổng thống Pháp: Ông Macron giành thêm nhiều sự ủng hộ

Thứ Hai, 27/03/2017, 08:13
Theo các kết quả thăm dò mới nhất được công bố trong tuần qua, hai ứng cử viên Emmanuel Macron, thuộc đảng “En Marche!” (Tiến lên) và Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) được dự báo là sẽ dành chiến thắng ở vòng 1 và sau đó, ông Macron sẽ dễ dàng chiến thắng trước bà Le Pen trong vòng 2 bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào ngày 7-5.

Điều này càng được khẳng định khi có thêm tới 9 thượng nghị sỹ của đảng trung hữu UDI-UC, vốn liên minh với đảng Những người Cộng hòa (LR) của ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon, đã công khai sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Macron, nhấn mạnh sự tán thành đối với quan điểm thân châu Âu và nỗ lực của ứng cử viên này đưa nước Pháp vượt qua sự phân chia chính trị giữa hai cánh tả - hữu. 

Việc lựa chọn giữa ông Macron và bà Le Pen, lãnh đạo của các đảng phái chính trị mà trước đó chưa bao giờ tham gia chính phủ ở cấp độ quốc gia, được so sánh với việc nước Pháp sẽ tiến lên hay hướng nội.

5 ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp tại cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 20-3. Ảnh: Le Monde

Đối với bà Le Pen, kể từ khi thay thế cha mình, ông Jean-Marie Le Pen, lãnh đạo đảng FN năm 2015, bà đã ổn định vị trí của mình trong đảng khi tập trung vào hai vấn đề: Phản đối nhập cư và Liên minh châu Âu (EU). 

Trong bản tuyên ngôn tranh cử của mình, ứng cử viên Le Pen nhấn mạnh toàn cầu hóa là gốc rễ của các vấn đề của Pháp: “Lựa chọn theo xu hướng toàn cầu, một mặt, được đại diện bởi tất cả các đối thủ của tôi, tìm cách phá hủy trạng thái cân bằng quan trọng về kinh tế và xã hội của chúng ta, tìm cách xóa bỏ toàn bộ biên giới kinh tế và vật lý, và luôn tìm kiếm nhập cư nhiều hơn và ít sự gắn kết hơn trong người dân Pháp. Mặt khác, lựa chọn yêu nước, do tôi đại diện trong cuộc bầu cử này, đặt việc bảo vệ quốc gia và người dân ở trung tâm của mọi quyết định công, và trên hết tìm kiếm sự bảo vệ bản sắc quốc gia của chúng ta, nền độc lập của chúng ta, sự đoàn kết của người dân Pháp, công bằng xã hội và thịnh vượng cho tất cả”. 

Trong khi đó, ứng cử viên Macron lại coi các rắc rối của đất nước như là một triệu chứng của sự bất ổn chính trị và thể hiện một sự thiếu kiên nhẫn với giới quyền uy chính trị. 

Ông nêu rõ: “Trong hơn 30 năm qua… chúng ta đã không thể xử lý tình trạng thất nghiệp hàng loạt hay các vấn đề về hội nhập. Các biến đổi cấp tiến mới đã làm rung chuyển cuộc sống của chúng ta và những điều chúng ta tin tưởng chắc chắn. Nhưng rút lui đằng sau biên giới của chúng ta hay từ chối nhìn nhận thế giới như nó vốn thế hay cải cách nước Pháp cho dù nó không muốn như vậy, không phải là giải pháp. Chúng bỏ qua sự kiên cường sâu sắc của nước Pháp và ý thức về vận mệnh của chúng ta”.

Ông Macron coi châu Âu là một lợi thế quan trọng, và là phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ nước Pháp, cả về chính trị và kinh tế. Trong khi đó, bà Le Pen ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của nước Pháp trong EU và rút khỏi bộ chỉ huy quân sự hợp nhất NATO. 

Về vấn đề nhập cư, đây là một chủ đề nổi bật đối với bà Le Pen, và các đề xuất của bà dường như thách thức cả các phán quyết của tòa án Pháp lẫn các nghĩa vụ hiệp ước lâu nay. Bà kêu gọi giảm mạnh nhập cư bằng cách hủy bỏ việc đoàn tụ gia đình, bất kỳ hình thức cấp quyền công dân nào cho người nước ngoài sinh ra tại Pháp và hủy bỏ quyền đề nghị tị nạn trên đất Pháp. 

Còn đối với ông Macron, mặc dù kêu gọi có quyết định nhanh chóng hơn về các yêu cầu xin tị nạn, nhưng ứng cử viên này lại không hề nhắc đến việc nhập cư trong chương trình tranh cử của mình.

Theo các nhà phân tích chính trị, điểm quan trọng nhất là liệu ai trong số hai ứng cử viên này sẽ có khả năng điều hành đất nước nếu đắc cử. Do cả hai đều không đại diện cho một đảng phái lãnh đạo lớn, hầu như không có khả năng các đảng của họ sẽ có thể đạt được một đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử nhánh lập pháp vào tháng 6-2017. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò có thể là chính xác, ông Macron sẽ đắc cử. Nhưng kịch bản cũng có thể xảy ra theo hướng ngược lại.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.