Tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ở sân bay Azerbaijan

Thứ Năm, 08/10/2020, 14:02
Ít nhất hai tiêm kích F-16 và một vận tải cơ, khả năng cao là của Thổ Nhĩ Kỳ, được nhìn thấy xuất hiện tại sân bay quân sự Ganja của Azerbaijan.

Hình ảnh máy bay F-16 tại sân bay Ganja. Ảnh: Planet Labs

The Drive ngày 8/10 đăng tải hình ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp ngày 3/10 cho thấy, ít nhất hai tiêm kích F-16 Viper, khả năng cao thuộc biên chế quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đậu trên đường băng ở sân bay quân sự Ganja của Azerbaijan, nằm cách không  xa khu vực chiến sự Nagorno-Karabakh.

Ngoài ra, một vận tải cơ hạng nhẹ CN-235 trong biên chế quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng xuất hiện gần đó.

Azerbaijan chưa lên tiếng về thông tin này, trước đó Armenia từng cáo buộc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một cường kích của Armenia khi cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh bước sang ngày thứ hai.

Theo truyền thông khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ hồi từng điều một số tiêm kích F-16 tới Ganja để tham gia diễn tập với quân đội Azerbaijan vào ngày 31/7. Sau khi cuộc tập trận kết thúc, hình ảnh vệ tinh cho thấy 6 chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hiện diện ở khu vực.

Azerbaijan là đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara từng tuyên bố sẽ triển khai lực lượng tới trợ giúp Baku, song phủ nhận việc đưa binh sĩ tới khu vực. Cách đây vài ngày, Azerbaijan và cả Pháp nói rằng các binh sĩ Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu cạnh Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh.

Nga, quốc gia có ảnh hưởng lớn ở khu vực, cho biết, họ nhận được tin về lính đánh thuê được tuyển mộ từ Syria và Libya tham gia vào giao tranh ở Nagorno-Karabakh. Nga khẳng định sự hiện diện của "các đơn vị vũ trang bất hợp pháp" sẽ gây ra rủi ro an ninh lâu dài cho tất cả quốc gia lân cận.

Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ đã được quốc tế công nhận của Azerbaijan-quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Tranh cãi về vùng đất này khiến hai bên lao vào cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia. Sau cuộc chiến, Azerbaijan mất quyền kiểm soát khu vực này vào tay lực lượng ly khai thân Armenia.

Đợt giao tranh mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra từ 27/9 và diễn ra ngày càng ác liệt, bất chấp yêu cầu ngừng bắn vô điều kiện, ngay lập tức của cộng đồng quốc tế, với vai trò chính của nhóm Minsk-OSCE do Nga, Pháp, Mỹ bảo trợ.

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc chiến sự leo thang và sự can dự trực tiếp của Ankara có nguy cơ kéo Nga vào cuộc xung đột này. Nga là đồng minh của Armenia tại Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước này sẽ thực thi đúng nghĩa vụ thành viên CSTO.

Thiện Nhân
.
.
.