Thủ tướng Nhật muốn gửi thông điệp hòa bình khi thăm Trân Châu Cảng

Thứ Tư, 28/12/2016, 10:25
75 năm sau vụ tấn công lịch sử nhằm vào căn cứ hải quân của Mỹ tại Trân Châu Cảng, ông Shinzo Abe đã trở thành Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản (từ sau Chiến tranh thế giới lần 2) đến thăm nơi này.

Sáng 27-12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm một số đài tưởng niệm ở Hawaii (Mỹ) trước khi tới thăm Trân Châu Cảng cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là chuyến thăm Trân Châu Cảng đầu tiên của lãnh đạo đương nhiệm hai nước kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công năm 1941 của quân đội Nhật Bản làm 2.300 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. 

Hãng Japan Times cho biết, chuyến thăm Trân Châu Cảng được thực hiện trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ kéo dài 2 ngày của ông Shinzo Abe với ý nghĩa “đáp lễ” lại chuyến viếng thăm thành phố Hiroshima (nơi hứng chịu quả bom nguyên tử của Mỹ năm 1945) hồi tháng 5 của Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, trong chuyến viếng thăm này, ông Shinzo Abe sẽ không xin lỗi các cựu binh Mỹ mà chỉ muốn gửi thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược Mỹ-Nhật nhất là khi tỷ phú Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2017. 

Bản thân Thủ tướng Nhật Bản khi trả lời phỏng vấn hãng Reuters cũng khẳng định rằng, qua chuyến thăm Trân Châu Cảng, ông muốn gửi thông điệp tới thế giới về việc Tokyo sẽ không lặp lại sự tàn ác như các cuộc chiến trong quá khứ. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm Nghĩa trang tưởng niệm quốc gia Thái Bình Dương, nơi tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong khi phục vụ cho lực lượng vũ trang Mỹ. Ảnh: Japan Times.

Ông Shinzo Abe nói: “Mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ hình thành với hy vọng giải quyết nhiều vấn đề trên thế giới. Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ là lịch sử khi nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ cùng thăm Trân Châu Cảng để thể hiện sự hòa giải”. 

Cũng theo nguồn tin này thì chỉ vài tiếng sau khi tới Hawaii, sáng 27-12, Thủ tướng Nhật Bản đã tới thăm Nghĩa trang tưởng niệm quốc gia Thái Bình Dương, nơi tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong khi phục vụ cho lực lượng vũ trang Mỹ. Ông Shinzo Abe không phát biểu mà chỉ đứng im mặc niệm trước một vòng hoa. 

Đồng thời, Thủ tướng Nhật Bản cũng tới Nghĩa trang Makiki để tưởng niệm những công dân Nhật Bản thiệt mạng tại Hawaii trong chiến tranh và cả trong thời bình. Ông còn thăm cả đài tưởng niệm 9 thủy thủ và sinh viên Nhật Bản thiệt mạng trong vụ va chạm giữa tàu cá Nhật Bản và một tàu ngầm của Mỹ hồi năm 2001. 

Theo lịch trình, sau khi thăm Trân Châu Cảng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tại Honolulu.

Cũng giống như chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận quốc tế. 

Bởi lẽ, những chuyến thăm này không chỉ là bước ngoặt mới trong quan hệ ngoại giao của hai quốc gia mà là biểu tượng cho một thời kỳ gắn bó và hợp tác trên toàn thế giới. Mọi đau thương và thù hận trong quá khứ sẽ được “ngủ yên” để con người có thể sống với nhau hòa thuận, yêu thương, vì một tương lai mới tốt đẹp hơn. 

Nhiều nhà phân tích còn nhận định rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật tại địa điểm lịch sử nói trên còn mang tính chính trị cao, cho thấy sức mạnh của mối quan hệ Mỹ-Nhật thời hậu chiến và “thách thức” vai trò đang ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong lịch sử, Trân Châu Cảng là nơi Nhật Bản đã bất ngờ tấn công Mỹ cách đây 75 năm với hy vọng hủy diệt sức mạnh của Washington ở Thái Bình Dương. Trong trận tấn công ngày 7-12-1941, 2.403 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng, 1.100 người bị thương và 8 chiến hạm của Mỹ bị phá hủy. 

Một số tướng lĩnh của Nhật Bản khi đó cho biết, trận đánh này được trù tính là ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ không can thiệp vào cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á. Cuộc tấn công này là sự kiện lớn trong Chiến tranh thế giới lần 2 và nó diễn ra trước khi có bất cứ một lời tuyên chiến chính thức nào đưa ra. 

Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt khi đó tuyên bố, ngày 7-12-1941 “sẽ sống mãi trong sự ô nhục”. Cùng với đó, Mỹ quyết định tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và đánh bại Nhật năm 1945 sau khi ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Phan Hiển
.
.
.