Thủ tướng Anh sử dụng “quân bài” cuối cùng để cứu Brexit

Thứ Sáu, 29/03/2019, 07:47
Tối 27-3 (giờ Việt Nam), Hạ viện Anh đã tiến hành bỏ phiếu cho một loạt lựa chọn khác cho vấn đề Brexit. Tuy nhiên, không một kiến nghị nào trong số 8 kiến nghị đưa ra bỏ phiếu để chỉ thị về cách thức tiến hành Brexit trong thời gian tới được thông qua.


Trước ngưỡng cửa mất đi mọi quyền kiểm soát tiến trình Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May đã vận đến “lá bài cuối cùng” khi tuyên bố sẽ từ nhiệm nếu các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận với EU hồi cuối 2018.

Quân bài cuối cùng

Tại cuộc bỏ phiếu, từ 16 kiến nghị bỏ phiếu ban đầu, sau nhiều tham vấn, các nhóm nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau trong Hạ viện Anh đã thống nhất rút gọn còn 8 kiến nghị. Những kiến nghị này bao gồm cả việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thoả thuận, việc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit và thậm chí cả việc huỷ bỏ Brexit.

Trong số này đáng chú ý nhất là các kiến nghị của Công đảng đối lập Anh về việc xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ với EU, thông qua việc thiết lập một Liên minh hải quan chung và việc Anh tham gia vào nhiều cơ quan quản lý của châu Âu.

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu trong tối muộn ngày 27-3, toàn bộ 8 kiến nghị này đều bị bác bỏ. Kiến nghị nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất là kiến nghị về việc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, với 268 phiếu ủng hộ và 295 phiếu chống. Và bị phản đối nhất là kiến nghị rời EU mà không có thoả thuận và kiến nghị ký thoả thuận tự do thương mại mà không có Liên minh thuế quan.

Thủ tướng Theresa May phát biểu tại phiên bỏ phiếu tối 27-3. Ảnh: Reuters

Nhìn vào kết quả này thì có thể thấy, quan điểm đang chiếm ưu thế trong số các nghị sĩ Anh là quan điểm về một Brexit mềm, tức là duy trì một mối quan hệ chặt chẽ nhất có thể với EU và có một thoả thuận hải quan chung nhằm giữ được quyền tiếp cận thị trường đơn nhất châu Âu.

Và nếu không được thì Hạ viện Anh có vẻ như chấp nhận đi đến quyết định là lại để cho người dân Anh quyết định lại một lần nữa. Nhưng luồng quan điểm này vẫn không thể nhận được đa số phiếu ủng hộ vì phe ủng hộ Brexit vẫn còn tương đối mạnh.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Xứ sở sương mù đã lần đầu tiên trực tiếp nhắc đến cụm từ mà có lẽ không nhà lãnh đạo còn đương chức nào thực sự mong muốn, đó là “mong muốn tìm ra hướng tiếp cận mới và lãnh đạo mới” trong giai đoạn đàm phán tiếp theo với EU nhằm hoàn tất tiến trình đưa Anh ra khỏi “vòng tay” EU.

Thủ tướng Anh nhấn mạnh sẽ từ nhiệm với một điều kiện tiên quyết: thỏa thuận Brexit của bà phải được thông qua để đảm bảo hoàn tất nhiệm vụ lịch sử của Chính phủ - đáp ứng nguyện vọng của người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.

Trên thực tế, quyết định từ nhiệm không bất ngờ vì ngay từ khi ấn định ngày bỏ phiếu lần đầu với thỏa thuận Brexit hồi tháng Một vừa qua, Thủ tướng Theresay May đã tuyên bố sẽ từ chức trước cuộc tổng tuyển cử năm 2022. Nhưng khi Brexit ngày càng rơi vào vòng xoáy hỗn loạn, các cuộc bỏ phiếu lần lượt mang lại thất bại buộc Thủ tướng Anh phải đề nghị EU cho phép hoãn Brexit tới giữa tháng 4, bà đã được tư vấn rằng, một lộ trình từ nhiệm rõ ràng hơn sẽ mang về một cái kết “êm thấm” cho Brexit.

Nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ có tư tưởng hoài nghi châu Âu khẳng định chỉ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu bà Theresa May đưa ra cam kết chắc chắn sẽ từ nhiệm, với hy vọng lãnh đạo mới sẽ có quan điểm ủng hộ Brexit rõ ràng hơn trong quá trình đàm phán các điều khoản quan hệ Anh và EU trong tương lai. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond nói rằng quyết định của Thủ tướng May “một lần nữa cho chúng ta thấy bà sẵn sàng đặt mục tiêu Brexit có trật tự lên trên bất kỳ điều gì khác”.

Tương lai mịt mù

Thực tế ngày 27-3 cho thấy, có quá nhiều bất đồng quan điểm cũng như xung đột lợi ích giữa các đảng phái nên ở thời điểm này, Hạ viện Anh không thể huy động được một đa số nào cả nếu không có các dàn xếp và nhượng bộ chính trị giữa các phe phái. Tức là Hạ viện Anh cũng hoàn toàn mơ hồ về việc mình thực sự muốn Brexit đi theo hướng nào.

Về các diễn biến tiếp theo thì có thể nói không một ai dám chắc về điều gì. Nhưng thời hạn 29-3 đã ở quá gần nên chắc chắn Hạ viện Anh lại phải họp để bàn về các bước đi tiếp theo, trong đó có thể là sẽ bàn về việc tổ chức phiên bỏ phiếu thứ 3 về thoả thuận Brexit của chính phủ Anh. Tuy nhiên, trong cuộc họp lúc nửa đêm 27-3, các nghị sĩ Anh đã giải tán trong bất đồng và chán nản mà không đưa ra được bất cứ gợi ý nào.

Bên cạnh đó, việc bà Theresa May sẵn sàng hy sinh ghế Thủ tướng cũng không chắc đã đủ để giúp thoả thuận Brexit được thông qua. Lí do là vì kể cả toàn bộ các nghị sĩ chống đối trong đảng Bảo thủ có thay đổi quan điểm và quay sang ủng hộ thoả thuận Brexit thì đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) vẫn tuyên bố sẽ chống thoả thuận này đến cùng, trong bất kể trường hợp nào.

Chưa hết, động thái của bà như thường lệ lại vấp phải sự phản đối từ nhiều phía, rằng bà cố chấp, không thừa nhận thực tế rằng, các nghị sỹ không thích thỏa thuận của bà và trì hoãn Brexit chỉ với mục đích tìm “khe cửa hẹp” hồi sinh thỏa thuận vốn “đã chết từ lâu”. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn công kích cam kết từ nhiệm của bà “một lần nữa cho thấy tiến trình đàm phán Brexit thực chất bị nhiễu loạn vì vấn đề quản lý bên trong nội bộ đảng Bảo thủ” chứ không phải những nguyên tắc hay lợi ích cộng đồng.

Với nội bộ đảng Bảo thủ, quyết định của bà May ít nhiều tạo thay đổi. Một số nghị sỹ Bảo thủ ủng hộ Brexit từng quyết liệt phản đối gia hạn nay bắt đầu nao núng trước nguy cơ hiện hữu rằng, Brexit thậm chí sẽ bị gia hạn lâu hơn nữa hoặc vĩnh viễn không xảy ra nếu thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May không được thông qua.

Trên lý thuyết là thoả thuận này vẫn chưa thể có đa số tại Hạ viện Anh, trừ trường hợp Thủ tướng Theresa May thuyết phục thêm được các nghị sĩ phản đối Brexit bên phía Công đảng đối lập. Nhưng việc này không hề đơn giản. Và nếu phân tích các cuộc bỏ phiếu tối 27-3 thì phe ủng hộ trưng cầu ý dân lần 2 còn đang có cơ sở để lạc quan hơn vì số phiếu ủng hộ cho kịch bản này còn nhiều hơn số phiếu từng ủng hộ thoả thuận Brexit của bà May. Nhưng về tổng thể thì nhìn chung thì ở thời điểm này, Brexit đang bế tắc toàn diện.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.