Thế giới Hồi giáo "sục sôi" sau phát ngôn của Tổng thống Pháp Macron

Thứ Ba, 27/10/2020, 16:58
Hàng loạt quốc gia, cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới lên tiếng phản đối và kêu gọi tẩy chay hàng hoá Pháp sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai bảo vệ quyền biếm họa nhà tiên tri Muhammad.


Căng thẳng giữa Pháp với cộng đồng Hồi giáo leo thang đáng kể sau các phát ngôn mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xung quanh vụ việc giáo viên Samuel Paty, người sử dụng bức tranh biếm họa về Nhà tiên tri Muhammad trong tiết học về tự ngôn luận ở Pháp, bị một kẻ khủng bố chặt đầu tại phía Bắc Paris ngày 16/10.

Hàng chục ngàn người xuống đường ở Dhaka để bày tỏ phản đối ông Macron. Ảnh: AlJazeera

Theo Reuters, bức biếm họa này từng là nguyên nhân khiến tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp bị tấn công cách đây 5 năm. Tuần trước, ông Macron bày tỏ ủng hộ Paty, khẳng định Pháp không từ bỏ các bức tranh biếm hoạ, đồng thời hứa chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Macron trước đó bình luận, đạo Hồi là tôn giáo đang khủng hoảng trên toàn cầu.

Phát ngôn của Tổng thống Pháp khiến cộng đồng Hồi giáo sục sôi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 26/10 kêu gọi tẩy chay hàng Pháp. "Tôi kêu gọi người dân đừng bao giờ chú ý đến các thương hiệu Pháp. Đừng mua hàng hóa Pháp", ông Erdogan nói.

"Các lãnh đạo châu Âu, những người có tầm nhìn xa và đạo đức, phải phá vỡ bức tường sợ hãi. Họ phải chấm dứt chương trình nghị sự chống Hồi giáo và chiến dịch thù ghét mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang dẫn đầu", ông Erdogan nói thêm.

Người biểu tình Hồi giáo mang khẩu hiệu đòi tẩy chay Pháp. Ảnh: AlJazeera

Cùng thời điểm, các hàng hoá của Pháp đã bị dỡ xuống tại nhiều siêu thị ở Qatar và Kuwait. Một chiến dịch tẩy chay cũng đang được tiến hành ở Jordan, nơi một số cửa hàng treo biển tuyên bố không bán bất cứ loại hàng hoá nào nhập khẩu từ Pháp.

Người dân ở nhiều quốc gia Hồi giáo khác trên thế giới cũng đang kêu gọi tẩy chay toàn diện hàng hoá Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp sau đó gọi hoạt động tẩy chay là "vô lý" và yêu cầu các hoạt động này phải được "chấm dứt ngay lập tức".

Theo AlJazeera, tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, hàng chục nghìn người ngày 27/10 đã xuống đường kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Pháp để bày tỏ tức giận với ông Macron. Hàng trăm cảnh sát Bangladesh đã được huy động để ngăn đám đông tiến sát Đại sứ quán Pháp ở Dhaka.

Một siêu thị ở Jordan quyết định dỡ bỏ hàng hoá Pháp khỏi kệ hàng. Ảnh: AlJazeera

Cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà, song đám đông đã đốt hình nộm của ông Macron và kêu gọi trừng phạt nhà lãnh đạo Pháp.

Tại thủ đô Baghdad của Iraq hôm 26/10, hàng chục người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Pháp và hô to khẩu hiệu đòi ông Macron xin lỗi đạo Hồi. Những người này cũng đốt hình ảnh của Tổng thống Macron và cờ Pháp.

Từ Tehran, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm 26/10 thì cáo buộc Pháp tìm cách kích động chủ nghĩa cực đoan. Theo ông, người Hồi giáo là nạn nhân của lối "văn hóa thù hận", đồng thời lên án Pháp lợi dụng việc lên án tội ác nhằm vào một giáo viên để xúc phạm đạo Hồi.

Theo Mainichi, Iran ngày 27/10 đã triệu tập đại diện ngoại giao Pháp ở Tehran tới để tiếp tục phản đối các phát ngôn của ông Macron. Bước đi tương tự được một quốc gia Hồi giáo khác ở Trung Đông là Pakistan thực hiện.

Các nước có phần lớn người dân theo đạo Hồi như Ai Cập, Libya, Palestine, Lebanon, Morocco, Arab Saudi... cũng đều lên tiếng ở các cấp độ để bày tỏ phản đối hành động xúc phạm Nhà tiên tri Muhammad.

Tuy vậy, ông Macron vẫn nhận được sự ủng hộ của các nhà châu Âu. Hôm 26/10, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Berlin đoàn kết với Paris. Các nhà lãnh đạo Hy Lạp và Áo cũng bày tỏ ủng hộ phát ngôn của Macron.

Thiện Nhân
.
.
.