Syria với bài toán tái thiết đất nước

Thứ Bảy, 29/05/2021, 07:59
Cuộc bầu cử Tổng thống Syria đã khép lại với kết quả không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát khu vực và quốc tế khi đương kim Tổng thống Bashar al-Assad (55 tuổi) giành chiến thắng trước 2 ứng cử viên còn lại với 95,1% số phiếu bầu ủng hộ để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư kéo dài 7 năm.


Việc tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước giúp Tổng thống Bashar al-Assad có cơ hội tiếp tục thúc đẩy chính sách hiện hành. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng toàn diện, cả về chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội và nhân đạo ở Syria sau khi làn sóng “Mùa xuân Arab” tràn vào khu vực Trung Đông-Bắc Phi, thực sự là bài toán nan giải.

Với khẩu hiệu tranh cử là mong muốn làm việc và tái thiết đất nước, trong cuộc nói chuyện với cử tri khi đi bầu cử, ông Bashar al-Assad tái khẳng định sẽ làm việc và xây dựng các thành phố, làng mạc và thị trấn, khôi phục lại các cánh đồng, đồng thời khẳng định tất cả người dân Syria ở bên trong và ngoài là những người duy nhất có công lao cho mọi thành tích. Điều đó cho thấy quyết tâm của ông trong việc xây dựng và tái thiết đất nước.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác là ông Bashar al-Assad và chính quyền Syria hiện nay được đông đảo cử tri tín nhiệm với nỗ lực giải phóng đất nước khỏi khủng bố và các thế lực chống phá. Chính quyền này với sự ủng hộ của Nga, Iran, nhiều nước Arab đã giải phóng 2/3 lãnh thổ, đưa đất nước có thể nói là giành thắng lợi trước các cuộc chiến ủy nhiệm và các tổ chức khủng bố. Do đó, chiến thắng lần này giúp ông Bashar al-Assad có nhiều điều kiện hơn để có thể thực hiện lời cam kết tái thiết đất nước. Tuy nhiên, tình hình Syria vẫn rất phức tạp.

Tái thiết đất nước là bài toán nan giải đối với Tổng thống Bashar al-Assad và ban lãnh đạo Syria.

Các khu vực Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc hiện vẫn do lực lượng đối lập và các nhóm thánh chiến chiếm giữ, khiến bất ổn an ninh tiếp diễn tại một số nơi và luôn tiềm ẩn khả năng leo thang. Bên cạnh đó, cuộc xung đột của Syria liên quan tới nhiều nước, kể cả Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một số quốc gia trong khu vực.

Xung đột dai dẳng cùng bất ổn chính trị và an ninh đã đẩy Syria rơi vào cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II khi hơn 50% trong tổng số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 6,5 triệu người đi sơ tán ở trong nước và 5,6 triệu người phải lưu vong tại các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan, Iraq và Ai Cập.

Sau hơn 10 năm, hiện có tới 13,4 triệu người đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Nhiều hộ gia đình không thể tiếp cận các loại lương thực cơ bản vì giá lương thực đã tăng 250% trong năm ngoái do đồng nội tệ của Syria mất giá thê thảm và nguồn cung lương thực khan hiếm.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres từng nói rằng tình hình ở Syria là cơn ác mộng kinh hoàng, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo cho nước này. Trong khi đó, những thiệt hại về vật chất khó có thể đo đếm được.

Nền kinh tế Syria đã bị tàn phá nghiêm trọng và hiện đang trong tình trạng rơi tự do, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria đã giảm mạnh từ 60,2 tỷ USD năm 2010 xuống còn 21,6 tỷ USD năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 50% và 80% dân số hiện sống ở dưới mức nghèo khổ. Hiện chưa có số liệu chính thức về những tổn thất kinh tế, song theo ước tính sơ bộ của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc xung đột đã gây tổn thất khoảng 300 tỷ USD, với nhiều cơ hội tăng trưởng bị đánh mất và hoạt động sản xuất đình đốn, trong khi nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá.

Câu chuyện tái thiết Syria có lẽ sẽ còn dài dù vấn đề này từ nhiều năm nay đã được bàn thảo. Nga và Trung Quốc đã có các kế hoạch hỗ trợ và tham gia tái thiết, đồng thời có quan hệ tốt với chính quyền và Tổng thống Basah Al Assad. Đó là sự thuận lợi cho Syria.

Nhưng số tiền cần tái thiết lến tới 400 tỉ USD và để Syria trở về như trước năm 2010 mất từ 10 đến 20 năm với điều kiện chiến tranh kết thúc ngay bây giờ. Đến nay, Ủy ban tái thiết Syria mới huy động được khoảng 307 triệu USD giúp người dân xây dựng lại những ngôi nhà bị tàn phá.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt nhằm gây sức ép buộc Tổng thống al-Assad phải thỏa hiệp với phe đối lập cũng cản trở hoạt động đầu tư và tái thiết đất nước. 1/3 lãnh thổ Syria vẫn do Thổ Nhĩ Kỳ với sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây kiểm soát và trong khu vực này vẫn có các nhóm cực đoan, khủng bố.

Đặc biệt, Syria cũng đang đương đầu với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 với khoảng 24.200 ca nhiễm, trong đó có hơn 1.700 trường hợp tử vong. Sự yên bình của Syria hiện nay chỉ là tạm thời, căng thẳng, đụng độ và xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào khiến cho câu chuyện tái thiết trở nên vô cùng khó khăn.

Điều đó cho thấy, nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hiện nay của Tổng thống Bashar al-Assad cùng ban lãnh đạo Syria là thực hiện các cải cách để vực dậy nền kinh tế và tái thiết đất nước vốn bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Song song với đó, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cũng cần đẩy mạnh các nỗ lực đảm bảo an ninh, ngăn chặn đại dịch COVID-19 và tham gia hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhận đạo của LHQ và cộng đồng quốc tế tại Syria.

Điều quan trọng hơn cả là Chính phủ Syria và phe đối lập cần nhanh chóng thu hẹp các khác biệt và xây dựng lòng tin trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, từ đó thúc đẩy đàm phán với sự trung gian của quốc tế nhằm tìm giải pháp chính trị toàn diện cho Syria.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.