Quốc gia đầu tiên tuyên bố đình chỉ quan hệ với Myanmar
- Biểu tình phản đối đảo chính lan rộng tại Myanmar
- Myanmar bắt giữ cố vấn người Australia của bà Suu Kyi
- Myanmar mở rộng phong tỏa mạng xã hội bất chấp biểu tình lan nhanh
Phát biểu tại buổi họp báo hôm nay (9/2), Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nước này cũng sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar, đồng thời đảm bảo chính phủ quân sự Myanmar sẽ không được tiếp nhận hay hưởng lợi từ các dự án thuộc chương trình viện trợ từ New Zealand dưới bất cứ hình thức nào.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Ảnh: ITN) |
Trong một tuyên bố riêng biệt, Ngoại trưởng Nanaia Mahuta nhấn mạnh, New Zealand không công nhận tính hợp pháp của chính phủ do quân đội lãnh đạo và kêu gọi quân đội lập tức thả tất cả các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ và khôi phục quyền cai trị dân sự.
Ngoại trưởng Mahuta cũng cho biết chính phủ cũng đã đồng ý thực hiện lệnh cấm đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar, sẽ có hiệu lực trong tuần tới.
Động thái trên từ phía New Zealand được đưa ra trong bối cảnh Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền điều hành đất nước, sau cuộc đảo chính chớp nhoáng diễn ra sáng 1/2 và bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức hàng đầu của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền, nhằm phản ứng với tình trạng "gian lận bầu cử" cuối năm ngoái ở nước này.
Quyết định đình chỉ quan hệ của New Zealand được xem là hành động phản đối quyết liệt nhất từ cộng đồng quốc tế với tình hình Myanmar. Trước đó, Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và EU cũng đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự.
Hiện tại, phong trào bất tuân dân sự ngày càng lan rộng, với những dòng người Myanmar xuất hiện trên đường phố ngày một đông trong nhiều ngày qua để biểu tình phản đối hành vi đảo chính.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Yangon và Mandalay, hai thành phố lớn nhất của Myanmar, cũng như quy mô nhỏ hơn tại các khu vực khác đã bắt đầu từ hôm 6/2. Ngày 8/2, cảnh sát địa phương đã buộc phải sử dụng vòi rồng để giải tán một cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Naypyitaw.