Quan hệ Mỹ-Canada trên đà bình ổn sau nhiệm kỳ Trump

Thứ Ba, 23/02/2021, 10:20
Năm 1969, Thủ tướng Canada lúc bấy giờ là Pierre Elliott Trudeau đã mô tả sự “gần gũi” của Canada với Mỹ giống như việc ngủ bên cạnh một con voi: “Dù con thú có thân thiện hay nóng tính đến đâu thì con người cũng bị ảnh hưởng bởi mọi cơn co giật và cằn nhằn”.
Ông Biden sẽ có cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Canada trong ngày 23/2. Ảnh minh họa Reuters. 

Nhiều thập kỷ sau, dưới thời ông Joe Biden, “con voi” ở phía Nam Canada ít nhất sẽ dễ đoán hơn so với thời ông Donald Trump, theo Daniel Beland, giám đốc Viện Nghiên cứu về Canada tại Đại học McGill ở Montreal.

Chuyên gia này cũng ví mối quan hệ trắc trở giữa Mỹ và Canada dưới thời ông Trump như một chuyến “tàu lượn siêu tốc”, tuy nhiên, dưới thời Biden, mối quan hệ đó đã trở lại ổn định hơn.

Ông Beland cho biết, quyết định của ông Biden khi tổ chức cuộc họp chính thức đầu tiên với một nguyên thủ nước ngoài - Thủ tướng Canada Justin Trudeau - vào ngày 23/2 (giờ địa phương) - là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ song phương có thể dễ đoán hơn trước.

Hầu hết các tổng thống Mỹ đều lựa chọn địa điểm “gần nhà” cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, một số vị tổng thống lựa chọn bay đến thủ đô Ottawa của Canada trong những tháng đầu tiên nắm quyền. Ngoại lệ gần đây nhất là ông Trump khi ông thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Arab Saudi vào năm 2017.

Trong khi cuộc gặp đầu tiên giữa hai ông Biden và Trudeau sẽ là qua màn hình máy tính do đại dịch COVID-19, chuyên gia Beland cho biết việc chọn Canada sẽ gửi một thông điệp "rằng Canada vẫn là một đối tác quan trọng của Mỹ".

Khôi phục kinh tế

Mỹ và Canada có chung đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới và thương mại song phương đạt tổng cộng 725 tỷ USD vào năm 2019, tương đương gần 2 tỷ USD mỗi ngày, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Mối quan hệ gặp nhiều thách thúc dưới thời chính quyền Trump. Ông Trump buộc Canada và Mexico phải đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và áp thuế đối với nhôm và thép của Canada.

Trong khi Thủ tướng Trudeau cẩn thận duy trì mối quan hệ thân tình với ông Trump, cựu tổng thống hồi năm 2019 đã gọi ông Trudeau là “kẻ hai mặt” sau khi một video lan truyền trên mạng cho thấy Thủ tướng Canada cười ngặt nghẽo với các nhà lãnh đạo thế giới khác về cuộc họp báo của ông Trump trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở London. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã nhanh chóng dập đi những cuộc tranh cãi của dư luận.

Dù vậy, quan hệ Mỹ-Canada vẫn được cho là bền chặt trong những năm ông Trump tại vị. Tuy nhiên, hiện tại, ông Trudeau có nhiều điểm chung với ông Biden hơn là với ông Trump, Donald Abelson, giám đốc Học viện Chính phủ Brian Mulroney tại Đại học St Francis Xavier ở Nova Scotia, cho biết.

Ông chỉ ra rằng hai nhà lãnh đạo từng gặp mặt trực tiếp khi ông Biden làm phó tổng thống Mỹ và họ rất hợp nhau.

“Điều rất quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia là có một thủ tướng và một tổng thống hòa hợp với nhau, đồng thời có thể xác định những mối quan tâm chung và tìm ra những cách thức xây dựng để cùng tiến lên”, ông Abelson cho biết.

Trước cuộc gặp ngày 23/2, các nhà lãnh đạo cho biết họ mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước. Ông Trudeau cho biết sẽ thảo luận về các cách để đối phó với đại dịch COVID-19, tạo việc làm và chống lại biến đổi khí hậu trong cuộc họp với ông Biden.

Cả Mỹ và Canada đều đang nỗ lực để đảm bảo cung ứng vaccine COVID-19 nhằm kiểm soát đại dịch và tìm cách giúp thúc đẩy nền kinh tế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các quan chức Canada cho biết trong tuần này, biên giới Mỹ-Canada sẽ vẫn đóng cửa đối với các hoạt động không thiết yếu cho đến ít nhất là ngày 21/3.

Ông Abelson cũng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về chính sách năng lượng, cũng như việc chính quyền Biden thúc đẩy tái tham gia với các tổ chức đa phương, chẳng hạn như NATO và Liên hợp quốc.

Những khác biệt về chính sách

Một mối quan hệ chặt chẽ không có nghĩa là giữa hai ông Biden và Trudeau không có khác biệt.

Ông Trudeau hồi tháng trước từng bày tỏ sự thất vọng khi ông Biden ngừng cấp phép Keystone XL, một đường ống dẫn dầu dài 1.947 km gây tranh cãi kéo dài từ tỉnh Alberta của Canada đến bang Nebraska của Mỹ. Thủ hiến Alberta Jason Kenney đã đặc biệt tức giận trước quyết định đó.

Dù có quan hệ cá nhân tốt với ông Trump, quan hệ Mỹ-Canada gặp nhiều trắc trở dưới thời Tổng thống Mỹ thứ 45. Ảnh minh họa Reuters. 

Ông Trudeau cũng mong muốn đảm bảo thương mại với Canada vẫn là ưu tiên dưới thời ông Biden trong bối cảnh phong trào “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” đang lớn mạnh nhằm ưu tiên các nhà sản xuất Mỹ.

“Thủ tướng Trudeau muốn đảm bảo rằng các nhà sản xuất Canada không bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Abelson cho biết.

Căng thẳng với Trung Quốc

Ông Beland cho biết Trung Quốc cũng sẽ là một chủ đề thảo luận giữa hai lãnh đạo Mỹ-Canada.

Mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh đã leo thang căng thẳng kể từ năm 2018, khi Trung Quốc bắt giữ hai người Canada sau khi các quan chức thực thi pháp luật nước này bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Meng Wanzhou theo yêu cầu của Mỹ.

Mỹ đã cáo buộc bà Meng gian lận thương mại - một cáo buộc mà bà này phủ nhận, trong khi Canada cáo buộc Trung Quốc giam giữ Michael Spavor và Michael Kovrig với cáo buộc gián điệp để trả đũa cho việc bắt giữ bà Meng. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc đó.

Canada, Mỹ và 56 quốc gia khác tuần trước đã ký vào một nghị quyết không ràng buộc về việc tố cáo việc giam giữ tùy tiện vì mục đích chính trị. Trong khi các bên ký kết cho biết biện pháp này được áp dụng cho các quốc gia trên thế giới, nó được xem như một sự “quở trách ngầm” đối với Trung Quốc.

“Vụ Huawei có liên quan trực tiếp đến lệnh dẫn độ từ Mỹ, vì vậy tôi nghĩ Mỹ có thể làm khá nhiều điều để tạo điều kiện cho hai công dân Canada được thả, hoặc ít nhất là giúp giải quyết tình hình Mỹ có vị thế hơn Canada”, ông Beland cho biết.

Căng thẳng Canada-Trung Quốc có khả năng leo thang hơn nữa sau khi Quốc hội Canada thông qua một động thái không ràng buộc hôm 22/2, trong đó mô tả việc Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương là tội ác diệt chủng.

Trước khi kiến ​​nghị được thông qua, Cong Peiwu, Đại sứ Trung Quốc tại Canada, đã bác bỏ cáo buộc diệt chủng và kêu gọi Ottawa “ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” để tránh làm xấu đi mối quan hệ song phương.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.