“Nỗ lực hàn gắn lịch sử” của Quốc hội Mỹ vì cộng đồng người gốc Á

Thứ Năm, 20/05/2021, 06:51
Dự luật chống hận thù đối với người gốc Á chính thức được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật vào ngày 20/5, sau khi được thông qua bởi các cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện và Hạ viện nước này. Giới chuyên gia đánh giá, đây là bước đi lịch sử của Quốc hội Mỹ để bảo vệ cộng đồng này, trong bối cảnh các tội ác nhằm vào họ gia tăng “đáng báo động” kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại “xứ cờ hoa”.


Hạ viện Mỹ ngày 19/5 (giờ Việt Nam) đã nhất trí thông qua dự luật chống hận thù đối với người gốc Á (còn gọi là Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19) đề xuất bởi Thượng nghị sĩ Mazie Hirono và Hạ nghị sĩ Grace Meng, với 364 phiếu thuận và 62 phiếu chống. Dự luật đồng thời được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 22/4 với tỷ lệ phiếu là 94 – 1. 

Phát biểu tại Điện Capitol, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nêu rõ, kết quả của các cuộc bỏ phiếu đã truyền đi một thông điệp nhất quán, rằng chính quyền Mỹ rất nghiêm túc trong việc tăng cường năng lực phòng thủ và thực thi quốc gia, trước tình trạng bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương. 

"Cùng với nhau, chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt rõ ràng để giải quyết vấn nạn này tại Mỹ, không chỉ trong giai đoạn đại dịch mà còn trong nhiều năm tới", bà Pelosi nhấn mạnh. Về phía đại diện Nhóm nghị sỹ Quốc hội Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương (AAPI), Hạ nghị sĩ Judy Chu đánh giá cao và gọi đây là bước đi lịch sử của Quốc hội, một năm sau hàng loạt các cuộc biểu tình ôn hoà “kêu cứu” diễn ra trên toàn nước Mỹ, lên án các vụ tấn công liên quan đến vấn nạn này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi công bố việc thông qua dự luật chống hận thù người gốc Á. Ảnh: Xinhua.

Quốc hội Mỹ đã chuyển dự luật tới Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào ngày 20/5. Luật mới sau khi hoàn tất thủ tục sẽ là căn cứ để Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm thêm một vị trí mới với vai trò đẩy nhanh việc giải quyết các tội ác thù hận liên quan đến đại dịch COVID-19. 

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ sẽ cung cấp nguồn tài trợ lên đến gần 50 triệu USD cho các bang để lặp đặt đường dây nóng báo cáo tội ác thù hận, đào tạo cơ quan thực thi pháp luật về cách ngăn chặn và xác định tội phạm thù địch, cũng như chỉ đạo các cơ quan liên bang làm việc cùng các tổ chức cộng đồng để giúp nâng cao nhận thức về tội ác này. Hơn nữa, một thư viện ảo gồm các dự án giúp tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người gốc Á cho nước Mỹ sẽ được ra mắt trong thời gian tới. 

CNBC dẫn lời giới chuyên gia bình luận, việc Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19 được lưỡng viện nhất trí thông qua từ một dự luật gây tranh cãi giữa hai đảng khi mới đề xuất, cho thấy tính cấp bách và nỗ lực hàn gắn cộng đồng của Chính phủ Mỹ. Đây cũng được xem là thành quả nổi bật của Tổng thống Joe Biden trong giai đoạn đầu cầm quyền. Ông Biden chính là người đã kêu gọi các nghị sĩ đẩy nhanh quá trình bỏ phiếu cho dự luật này, sau vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hồi giữa tháng 3 vừa qua.         

Trước đó, nghị sĩ Dân chủ Grace Meng, người dẫn đầu nỗ lực thông qua dự luật tại Hạ viện nói với CBS News rằng: “Cộng đồng người gốc Á đã bị đổ tội và trở thành “dê tế thần” cho sự bùng phát của COVID-19. Kết quả là người Mỹ gốc Á bị đánh đập, bị phỉ báng, thậm chí bị giết hại. Họ mệt mỏi vì phải sống trong sợ hãi”. 

Theo ông Russell Jeung, giáo sư thuộc Đại học San Francisco, người gốc Á dù chỉ chiếm 5% dân số Mỹ nhưng thường được coi là một “thiểu số kiểu mẫu” bởi họ thông minh, chăm chỉ và khá giả, khác với người Mỹ gốc Phi thường là đối tượng phản đối bất công phân biệt chủng tộc. Đây có thể là một trong những lý do khiến cộng đồng này vô tình bị “lãng quên” trong các cuộc thảo luận về phân biệt chủng tộc và trở nên “dễ bị tổn thương” hơn so với cộng đồng da màu khác. 

Được biết, một báo cáo của tổ chức Stop Asian American Pacific Islander (Stop AAPI) chuyên theo dõi các vụ chống lại người Mỹ gốc Á tiết lộ rằng, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tổ chức đã ghi nhận được 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ. Đặc biệt, số vụ bạo lực mang tính thù địch ở 16 thành phố lớn nhất nước này đã tăng 150% so với năm trước. Lăng nhục, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các vi phạm quyền công dân là những hình thức chính. Trong đó, hơn 40% nạn nhân là người gốc Hoa, 15% là người gốc Hàn, 8,5% là người gốc Việt và 8% là người gốc Philippines. Đa số nạn nhân là phụ nữ và con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều người không dám lên tiếng tố cáo. 

Bình luận về báo cáo của Stop AAPI, bà Elizabeth OuYang, giáo sư luật tại Đại học New York khẳng định, đây là những con số biết nói, đồng thời nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa tình cảnh của người gốc Á hiện tại với sự kỳ thị người Hồi giáo ở Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. 

Theo bà Elizabeth OuYang, việc thông qua dự luật khẳng định một điều chắc chắn rằng, cộng đồng gốc Á cũng giống như các cộng đồng khác trong xã hội Mỹ, đều được chính phủ quan tâm, lắng nghe, tạo điều kiện phát triển và được bảo vệ bởi luật pháp.

Linh Đan
.
.
.