Những thủ đoạn mới của tội phạm quốc tế trong mùa dịch COVID-19

Thứ Tư, 01/04/2020, 07:38
Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo giới tội phạm đang lợi dụng nỗi lo sợ của người dân đối với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để kiếm tiền như buôn khẩu trang y tế hay thuốc chữa bệnh giả, tiến hành các vụ lừa đảo trên mạng...


Lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân trên thế giới về dịch COVID-19, giới tội phạm đã bày ra mọi thủ đoạn để kiếm lời bất chính. Những thủ đoạn, chiêu trò mới này được coi là “lựa chọn thay thế” phù hợp của tội phạm khi mà hàng tỷ người phải ở nhà và các đường biên giới đóng cửa để tránh dịch lây lan, chúng khó có thể kiếm chác với những cách “truyền thống” như ăn trộm và buôn ma túy.

Khi khẩu trang trở thành món lời không thể bỏ qua

Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo giới tội phạm đang lợi dụng nỗi lo sợ của người dân đối với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để kiếm tiền như buôn khẩu trang y tế hay thuốc chữa bệnh giả, tiến hành các vụ lừa đảo trên mạng...

Giám đốc Europol Catherine De Bolle nêu rõ: “Tội phạm chỉ quan tâm tới một điều là làm thế nào để có thể kiếm được nhiều tiền. Đây là lý do khiến chúng đang lợi dụng tâm lý do sợ dịch bệnh của người dân để thay đổi phương thức làm ăn”. Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu khẩu trang y tế tăng cao khi nguồn cung thiếu hụt khiến người dân trên toàn thế giới “đứng ngồi không yên”.

Khẩu trang được các nhóm tội phạm mạng đăng tải công khai trên web “đen”. Ảnh: Digital Shadows

Nắm bắt được tâm lý này, những tên tội phạm mạng liên tục đăng tải trên những trang web “đen” các loại khẩu trang y tế giả. Theo công ty xử lý khủng hoảng Digital Shadows, trên “chợ đen” Empire – một trang web bất hợp pháp khét tiếng chuyên buôn bán ma túy, hóa chất cấm và các thiết bị hack mạng - đã xuất hiện rất nhiều quảng cáo về “khẩu trang y tế hiện đại có khả năng lọc được các loại phân tử virus nhỏ”.

Tuy nhiên, Digital Shadows cảnh báo, ngay cả những bức hình mà chúng đăng tải cũng chưa chắc đã hợp pháp (ám chỉ khả năng chúng lấy cắp những bức hình này từ các công ty, tổ chức uy tín). Hơn thế nữa, giá bán của những chiếc khẩu trang bất hợp pháp này không hề rẻ, Digital Shadows, cho biết, một nhóm tội phạm mạng đã đăng bán những hộp 2.000 chiếc khẩu trang với giá 6.500USD.

Như vậy mỗi chiếc khẩu trang có giá tới 3,25USD, cao hơn nhiều lần so với mức trung bình trước khi có dịch. Một “nhà cung cấp ở Ukraine” thậm chí còn khẳng định trên mạng rằng, họ có thể sản xuất tới 200.000 chiếc khẩu trang y tế chỉ trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, con số này gần như là “không thể đạt được” nếu muốn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến loại sản phẩm đặc thù của ngành Y tế này.

Digital Shadows nhận định: “Những đối tượng bán hàng như thế này trước đây chủ yếu buôn bán ma túy và các chất cấm, tuy nhiên, nhận thấy lợi nhuận quá rõ ràng từ thị trường nên chúng đã chuyển sang bán các sản phẩm y tế, đặc biệt là khẩu trang”. Cũng theo Digital Shadows, việc bán khẩu trang y tế “ăn theo đại dịch COVID-19” không chỉ xuất hiện trên các trang web “đen” mà còn cả ở các trang web thông thường.

Chỉ trong vài tuần qua, số lượng các bài đăng bán khẩu trang y tế trên các trang web thông thường đã tăng nhanh “như nấm sau mưa”. Thậm chí, các đối tượng gian thương còn cài thêm “những khuyến mại giảm giá đặc biệt” nhằm thu hút người đặt hàng.

Digital Shadows cảnh báo, người đặt hàng những sản phẩm như thế này không chỉ đối mặt với nguy cơ mua phải hàng giả mà tệ hơn còn bị lừa tiền bởi về cơ bản những đối tượng này “không bán khẩu trang mà chỉ muốn gom số lượng lớn tiền mà người mua đặt hàng rồi xóa sạch dấu vết và biến mất như chưa từng xuất hiện”.

Theo số liệu từ báo cáo của Europol, hồi đầu tháng này, Cảnh sát các nước trên thế giới đã tịch thu 34.000 khẩu trang y tế làm giả trong một chiến dịch lớn nhằm vào những tên tội phạm thời dịch COVID-19. Báo cáo kết luận rằng, giới tội phạm đã thích nghi rất nhanh với tình hình khi thực hiện các phi vụ dựa trên nỗi lo lắng và sợ hãi của người dân trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Gia tăng lừa đảo trên mạng

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu ghi nhận, mặc dù số vụ phạm tội thông thường giảm mạnh, nhưng số vụ tội phạm theo các hình thức khác lại gia tăng. Theo ghi nhận, các vụ lừa đảo trên mạng đang lan rộng trên toàn châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số lượng lừa đảo qua email và trên mạng gia tăng khi những tên tội phạm lấy danh nghĩa của tổ chức này để moi tiền và những thông tin nhạy cảm từ các nạn nhân.

Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia Anh cho biết những tên tội phạm nhằm mục tiêu vào các đối tượng đang tìm mua trên mạng các vật tư, thiết bị y tế. Chúng gửi thư điện tử chào bán các vật tư, thiết bị y tế giả và lừa đảo những người dễ bị tổn thương hay đang được cách ly ở nhà. Tại Đức, tình hình cũng tương tự như vậy.

Cảnh sát Đức cho biết những kẻ tội phạm mạng đang lợi dụng nỗi sợ của người dân về COVID-19 để gửi các thư điện tử lừa đảo với nội dung gây hoang mang sợ hãi để phục vụ cho ý định lừa đảo của chúng. Trong bối cảnh tâm lý hoang mang lo sợ dâng cao tại Italy, nước bị tác động mạnh nhất của dịch COVID-19, các doanh nghiệp nhỏ thiếu tiền do tác động của dịch COVID-19 sẽ quay sang “nương tựa” vào các băng đảng mafia.

Tại Đan Mạch, chính phủ cam kết phạt nặng những đối tượng ăn trộm dung dịch sát khuẩn và những tên ăn trộm giả danh nhân viên y tế đến từng nhà để thực hiện hành vi trộm cắp, nhất là nhà ở của người cao tuổi.

Một thủ đoạn khác tinh vi hơn mà các đối tượng tội phạm mạng đang thực hiện nhằm vào các chuyên gia y tế là giúp họ “nâng cao kiến thức chuyên môn về phòng chống dịch COVID-19”. Cụ thể, hãng tin Sky News đã công bố một bản email mà một nhóm tội phạm gửi cho nhân viên y tế tại nhiều cơ quan y tế tại Anh dưới dạng “email nội bộ từ Phòng Công nghệ thông tin của từng tổ chức” với chủ đề: “GỬI TOÀN BỘ NHÂN VIÊN: NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ COVID-19”, trong đó nêu rõ “cơ quan đang tổ chức một khóa đào tạo dành cho mọi nhân viên về loại virus chết người này” và yêu cầu họ đăng ký tham gia thông qua một đường link đính kèm.

Đường link nói trên dẫn vào một trang web của bên thứ 3 được “ngụy trang” dưới dạng ứng dụng Outlook trên nền web, trong đó yêu cầu nhân viên nhập mọi thông tin – kể cả những thông tin cá nhân – cho các hacker.

Digital Shadows cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin này và cho biết, nhiều thủ đoạn tương tự cũng đã được các đối tượng tội phạm mạng sử dụng trong thời gian qua khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát và lan rộng khắp châu Âu.

Digital Shadows cảnh báo: “Các tổ chức y tế hàng đầu như WHO hay Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ luôn là mục tiêu tấn công hàng đầu của các đối tượng tội phạm mạng do tính chất và tầm ảnh hưởng của họ đối với dịch bệnh trên toàn thế giới”.

Cũng theo Digital Shadows: “Những kẻ tấn công mạng luôn tìm cách tiếp cận các nạn nhân của chúng thông qua việc đăng tải những đường dẫn hoặc tài liệu có thể tải về mà theo chúng là chứa những nội dung cực kỳ quan trọng về phòng chống dịch hoặc bản đồ cập nhật về dịch bệnh mới nhất. Đây cũng chính là những nội dung được tìm kiếm và trao đổi nhiều nhất trên những diễn đàn học thuật y tế trong thời gian qua”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.