Những dấu mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cuba

Thứ Tư, 23/03/2016, 08:48
Ngày 22-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời thủ đô La Habana, kết thúc chuyến công du đầu tiên tới Cuba của một Tổng thống Mỹ sau 88 năm. Báo giới và các nhà phân tích bình luận rằng, kể từ giây phút chiếc chuyên cơ Air Force One hạ cánh xuống sân bay La Habana, mối quan hệ Mỹ-Cuba đã sang một trang mới.


Và tuyên bố của ông Barack Obama về lệnh cấm vận thương mại với Cuba sắp được dỡ bỏ đã đánh dấu cơ hội lịch sử mới cho cả hai nước. Nhân đây, Báo Công an nhân dân xin điểm lại những dấu mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cuba.

Có thể nói rằng, chuyến thăm Cuba kéo dài 3 ngày (từ 20 đến 22-3) của Tổng thống Mỹ Barack Obama là chuyến thăm lịch sử, mở ra cơ hội lịch sử cho cả hai nước và là dấu mốc mới nhất trong quan hệ hai nước. Nổi bật nhất trong chuyến thăm là cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ giữa hai nguyên thủ Mỹ và Cuba cùng cuộc họp báo chung tại Cung điện Cách mạng. 

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, ông Barack Obama không chỉ bàn bạc về chủ đề thương mại, cải tổ chính trị mà còn nói về nhiều vấn đề nhạy cảm khác như nhân quyền, tự do ngôn luận. Người dân Cuba và cả người Mỹ đều mong muốn quan hệ hai nước sẽ bước sang một trang sử mới và từ đây, việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế sẽ giúp nền kinh tế Cuba phát triển hơn, còn các doanh nhân Mỹ thì có thêm nhiều cơ hội làm ăn ở đất nước này. 

Với riêng Tổng thống Barack Obama, qua chuyến công du lịch sử này, ông muốn thể hiện rằng, quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba sẽ không thể đảo ngược trong những nhiệm kỳ Tổng thống kế tiếp, hoặc đảng Cộng hòa cũng không thể ngăn cản tiến trình này…

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc gặp hôm 21-3 tại La Habana. ảnh: Reuters.

Dấu mốc mới thứ 2 diễn ra vào hồi tháng 7 năm ngoái khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau hơn 50 năm gián đoạn vào ngày 1-7. 

20 ngày sau đó, cờ Cuba được kéo lên trước cửa chính Đại sứ quán Cuba vừa mới mở cửa trở lại tại thủ đô Washington. Tại thủ đô La Habana, cờ Mỹ cũng tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán Mỹ. Những tháng tiếp theo, giới chức Washington và La Habana còn thúc đẩy ký kết hợp đồng thương mại về viễn thông và dịch vụ hàng không, đồng thời mở rộng hợp tác về thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường…

Ngược dòng lịch sử hơn 50 năm trước, vào năm 1959, cách mạng Cuba thắng lợi, đồng chí Fidel Castro đã lãnh đạo một đội quân du kích gồm 9.000 thành viên tiến vào thủ đô La Habana, lật đổ chế độ độc tài Batista và trở thành Thủ tướng Cuba. Cùng năm đó, đồng chí Fidel Castro đã có cuộc gặp gỡ không chính thức với Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon ở Washington. 

Bước sang năm 1960, đồng chí Fidel Castro quyết định quốc hữu hóa các doanh nghiệp Mỹ ở Cuba. Viện cớ vào động thái này của La Habana, chính quyền Washington tuyên bố đình chỉ quan hệ Mỹ-Cuba về mặt ngoại giao và áp đặt một lệnh  cấm vận thương mại để trả đũa. 

Năm 1961, Mỹ đóng cửa Đại sứ quán ở La Habana và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn một cuộc đảo chính do những phần tử người Cuba lưu vong tiến hành ở Vịnh Con Lợn. 

Thời điểm này, CIA cũng lên kế hoạch và tiến hành các cuộc ám sát đồng chí Fidel Castro nhưng không thành. Kết quả, Cuba tuyên bố là một quốc gia XHCN và bắt đầu làm đồng minh của Liên Xô.

Căng thẳng giữa hai bên tiếp tục gia tăng trong vụ khủng hoảng tên lửa vào tháng 10-1962 khi Cuba cho phép Liên Xô triển khai một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung trên lãnh thổ nước này. 

Mỹ cho công bố các bức ảnh chụp được, kéo hai nước đến bên bờ vực chiến tranh. Vụ việc sau đó được giải quyết khi Liên Xô nhất trí dỡ bỏ tên lửa ở Cuba còn Mỹ rút tên lửa hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. 

Năm 1980, Chính phủ Cuba cho phép công dân nước này rời đất nước. Khoảng 125.000 người Cuba đã di tản sang Mỹ. Đến năm 1993, Mỹ lại thắt chặt lệnh cấm vận đối với Cuba và lệnh cấm vận này đã được chuyển thành lâu dài sau vụ Cuba bắn hạ 2 máy bay Mỹ do những người Cuba lưu vong tại Miami lái, xâm phạm không phận nước này. 

5 năm sau đó, Mỹ đã giảm nhẹ các hạn chế đối với việc gửi tiền cho người thân của người Mỹ gốc Cuba. Một năm sau đó, sự kiện cậu bé Elian Gonzalez được cứu ngoài khơi Florida và được phép đoàn tụ với cha mình ở Cuba đã trở thành dấu mốc mới trong quan hệ hai nước.

 Đặc biệt, năm 2001, vụ việc 5 người Cuba bị kết án ở Miami và chịu mức án nhiều năm tù vì tội làm gián điệp cho Chính phủ Cuba đã tạo nên một phong trào ủng hộ Cuba trên khắp thế giới. 

Năm 2002, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter có chuyến thăm lịch sử tới Cuba. Chuyến viếng thăm bao gồm việc đến thăm các trung tâm khoa học nhằm đáp ứng lại các cáo buộc của Mỹ về vũ khí sinh học. 

Tiếp đó, phái đoàn lớn nhất của Quốc hội Mỹ tới thăm Cuba năm 2006 do nghị sĩ đảng Cộng hòa Jeff Flake dẫn đầu dần mở ra “một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Cuba”. 

Ba năm sau, bước chuyển biến tích cực nhất là việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nới lỏng các biện pháp cấm vận Cuba. Tổng thống Mỹ Barack Obama còn dỡ bỏ các hạn chế đối với du lịch gia đình và chuyển kiều hối về Cuba. Tháng 5-2009, phái đoàn Mỹ đã lên đường sang Cuba để tham gia cuộc thảo luận về bình thường hóa quan hệ hai nước. 

Tháng 11-2010, nhà hát Ballet thăm Cuba lần đầu tiên trong 50 năm và đúng một năm sau đó, điệp viên Cuba Rene Gonzalez, thành viên trong nhóm bộ 5 Cuba bị kết án tù năm 2001 đã được thả tự do khỏi nhà giam Florida. 

Tháng 9-2012, Cuba gợi ý sẵn sàng đàm phán với Washington về việc tìm giải pháp cho vụ Alan Gross, một người Mỹ chịu mức án 15 năm tù giam trong nhà tù Cuba vì đã đưa thiết bị internet vào nước này. 

Cái bắt tay đầu tiên giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tang lễ nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela hồi tháng 12-2013 đã được dư luận thế giới đánh giá tích cực.

 Một năm sau đó, La Habana trả tự do cho Alan Gross, còn Washington phóng thích 3 công dân Cuba. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố việc khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Cuba. 

Tháng 4-2015, Chủ tịch Cuba Raul Castro có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ tổ chức ở Panama để sau đó 3 tháng, hai nước chính thức bước vào một mối quan hệ mới, không hằn thù và mâu thuẫn.

Chi Anh
.
.
.