Mỹ-Cuba: Thống nhất lộ trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao

Thứ Bảy, 11/04/2015, 04:08
Ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã cùng tới Panama để tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ 7. Trước đó, Ngoại trưởng hai nước cũng đã có cuộc gặp cấp cao đầu tiên sau hơn 50 năm căng thẳng ngoại giao, đánh dấu giai đoạn 2 của việc thực thi kế hoạch bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước.
>> Cộng đồng quốc tế hoan nghênh quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba

Theo tin từ tờ Telegraph, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có mặt tại Panama chỉ vài tiếng trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez gặp mặt. Đây là cuộc gặp mặt cấp cao đầu tiên của hai nước kể từ sau khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba tuyên bố về việc chấm dứt cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước.

Trong cuộc họp kín được tiến hành tại khách sạn ở Panama City, người đứng đầu cơ quan ngoại giao hai nước đã có được tiếng nói chung trong một số vấn đề. Như thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ thì nước này và Cuba đã đạt được tiến triển sau cuộc hồi đàm lịch sử này. Cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez đều nói chuyện mang tính chất xây dựng và cho rằng, hai bên cần tiếp tục hợp tác để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez đã có cuộc gặp lịch sử tại Panama hôm 9/4, theo giờ địa phương. Ảnh: EPA.

Lộ trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao của hai nước cũng được ông John Kerry và ông Bruno Rodriguez thông qua thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của quá trình này sẽ bao gồm chính thức tái thiết quan hệ và mở Đại sứ quán tại mỗi nước. Giai đoạn 2 bắt đầu bằng việc bãi bỏ các lệnh cấm vận phi nghĩa mà Mỹ đã áp đặt đối với Cuba từ hơn nửa thế kỷ qua.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Phó Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cho biết, việc tái thiết quan hệ ngoại giao hai nước là một quá trình dài, cần có thời gian, nhưng sẽ không có chuyện bình thường hóa quan hệ nếu cấm vận chưa được tháo gỡ. Hiện giờ, ngoài vấn đề mở Đại sứ quán, điều mà chính quyền La Habana quan tâm nhất là việc Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách bị Washington coi là “các nước bảo trợ khủng bố”.

Ông Miguel Diaz-Canel khẳng định: “Chúng tôi đang chờ những đột phá mới trong vấn đề này, nhất là sau khi Chủ tịch Raul Castro có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 tại Panama. Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi đề xuất về việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ hoạt động khủng bố lên Tổng thống Barack Obama. Đội ngũ cố vấn của ông Barack Obama đang nghiên cứu đề xuất này trước khi đệ trình Tổng thống phê chuẩn.

Giới quan sát nhận định rằng, nếu muốn bày tỏ thiện chí trong vấn đề Cuba, nhiều khả năng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ công bố quyết định này tại hội nghị thượng đỉnh OAS. Đây cũng là cách mà Mỹ muốn lấy lại lòng tin và sự yêu mến của giới lãnh đạo cũng như người dân vùng châu Mỹ Latinh. Bởi lẽ trước thềm hội nghị, những lời tuyên bố qua lại giữa Mỹ, Argentina, Peru, Nicaragoa và nhất là giữa Mỹ-Venezuela đang khiến cho hội nghị trở nên “nóng bất thường” và đẩy Mỹ vào thế bị cô lập, chỉ trích.

Tiến bước trong quan hệ với Cuba vào thời điểm hiện này sẽ giúp Washington làm dịu bầu không khí căng thẳng đang ngày càng gia tăng với Venezuela và các nước trong khu vực. Đồng thời, nó cũng giúp Mỹ chứng minh lại lập trường từng được nêu ra là xung đột ngoại giao Mỹ-Venezuela không ảnh hưởng đến đối thoại với Cuba. Nói thế là bởi lẽ, một ngày trước cuộc gặp lịch sử ngoại giao Mỹ-Cuba, Viện Hữu nghị các dân tộc của Cuba (ICAP) đã chuyển cho Đại sứ quán Venezuela tại Cuba hơn 3 triệu chữ ký của người dân nước này vào thông điệp yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy bỏ sắc lệnh liên quan đến Venezuela. Ngay sau đó, phía Mỹ có tuyên bố thất vọng nhưng không bất ngờ. Còn Tổng thống Barack Obama thì phải lên tiếng thừa nhận rằng, Venezuela không phải là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.

Ông John Foster Dulles và Gonzalo Guell là Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Cuba có cuộc gặp chính thức cuối cùng tại thủ đô Washington D.C vào ngày 22/9/1958. Cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước sau tháng 4 năm 1959 được diễn ra giữa Phó Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon và ông Fidel Castro, người sau này trở thành Chủ tịch Cuba. Sau hai cuộc gặp mặt đó, quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba đã có khoảng thời gian gián đoạn hơn 50 năm.        

Sông Thương
.
.
.