Nhói lòng hình ảnh "con đường chết chóc" của người di cư tới châu Âu

Thứ Tư, 30/10/2019, 12:22
Lên đường vượt Địa Trung Hải với hi vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu, song hàng ngàn người di dân tới từ châu Phi và Trung Đông lại đã bỏ mạng trước khi đến đích.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, từ đầu năm 2019, hơn 1.000 người đã thiệt mạng sau khi họ rời bỏ nhà cửa ở Trung Đông, châu Phi rồi lênh đênh trên Địa Trung Hải với hi vọng tới được bờ biển châu Âu, nâng tổng số người thiệt mạng trên tuyến đường này tới con số 18.000 người, tính từ năm 2014.

Đó cũng chính là điều tạo động lực để Phóng viên ảnh Italy Max Hirzel mới đây quyết định chuyển tải nội dung và thông điệp sâu sắc thông qua loạt ảnh "Thi thể người di cư lên tiếng" trên Guardian:

Guardian cho biết, "Thi thể người di cư lên tiếng" là một phần câu chuyện kể về nỗ lực nhận dạng người di cư đã thiệt mạng cũng như nỗi đau của gia đình các nạn nhân trong vụ đắm thuyền chở 900 người di cư ngoài khơi đảo Sicily của Italy tháng 4-2015, cướp đi mạng sống của 800 người trên khoang.
Lên đường vượt Địa Trung Hải với hi vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu, song hàng ngàn người di dân tới từ châu Phi và Trung Đông lại đã bỏ mạng trước khi đến đích. Trong ảnh là chiếc giày sót lại của một trong những nạn nhân vụ đắm tàu tháng 4-2015. 
Để các nạn nhân không bị lãng quên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu dành 6 tháng để làm công việc nhận dạng các thi thể được tìm thấy sau vụ lật thuyền. Trong ảnh là Donatella Piscionieri, nhà nghiên cứu bệnh học của Bệnh viện đa khoa Palermo, phân tích vật dụng cá nhân của một nạn nhân ở Melili. Vật dụng gồm một mẩu giấy và một tờ tiền.
Trong nhiều trường hợp, các đồ dùng cá nhân chính là công cụ hữu hiệu nhất để nhận dạng các nạn nhân. Trong ảnh là đôi găng tay bóng đá mang tên các cầu thủ nổi tiếng cùng một gói kẹo cao su thu được từ xác tàu. Chúng được chụp lại từ phòng pháp y Labanof thuộc Đại học Milan.
Để xác định độ tuổi của các nạn nhân, các chuyên gia quyết định cắt phần xương đùi của họ để phân tích. Từ đầu năm 2019, khoảng 1.000 người đã chết vì đắm tàu hoặc đói khát, dịch bệnh hay ngạt thở trên những con thuyền chật trội. 
Đối với những người đã được nhận dạng và có thân nhân nhận. Thi thể hoặc những phần còn lại sẽ được chuyển cho gia đình. Những nạn nhân còn lại sẽ được chôn cất tại một nghĩa trang ở Italy. Trong ảnh là một tài xế nhà xác và một sĩ quan hải quân vận chuyển quan tài của các nạn nhân vụ đắm tàu để chuyển họ đến nghĩa trang.
Công việc của các chuyên gia cần rất nhiều tâm huyết, bởi không dễ dàng gì để tìm ra danh tính hay độ tuổi của nạn nhân, khi mà nhiều thi thể chỉ được tìm thấy sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Trong ảnh là cô Ginevra Malta, một kỹ thuật viên khám nghiệm tử thi ở Palermo, làm việc trong một chiếc lều được dựng lên để khám nghiệm các thi thể từ vụ đắm tàu. 
Mộ của 6 nạn nhân được chôn cất tại một nghĩa trang ở Rosolini, Sicily, sau khi các chuyên gia lưu lại thông tin về độ tuổi, giới tính, ADN... của họ. Trước khi có người nhà tới xác nhận danh tính, họ sẽ được đánh số là "Người di dân số...".
Đó là câu chuyện xảy ra ở Italy. Còn ở quê nhà, rất nhiều thân nhân những người thiệt mạng thậm chí không biết người thân của mình đã qua đời. Trong ảnh là Ousmane và Abdou là anh em của Mamadou, một nạn nhân trong vụ đắm tàu tháng 4-2015, ngồi trong nhà của họ ở Soukouta, miền nam Senegal. Họ đã tới tận Gambia và Senegal để tìm kiếm thông tin về người thân.
Người đàn ông ngồi cạnh phần mộ của thân nhân sau khi được nhận dạng. Trong số hàng ngàn người thiệt mạng trên Địa Trung Hải, chỉ có phần ít có thể thu thập được thông tin. Trong phần ít đó, cũng không có nhiều người được gia đình nhận dạng.
Thiện Nhân (Ảnh: Guardian)
.
.
.