Nguy cơ vỡ đập thủy điện ở Lào đã sớm được phát hiện?

Thứ Tư, 25/07/2018, 11:17
Một trong những công ty đầu tư vào dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đưa ra tiết lộ gây sốc rằng vết rạn đầu tiên đã được phát hiện trên đập vào hôm 22-7, một ngày trước khi sự cố vỡ đập xảy ra.

BBC dẫn nguồn tin công ty SK Engineering & Construction, một công ty Hàn Quốc tham gia đầu tư vào dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy được xây dựng phía nam Lào cho biết, vết nứt đầu tiên được phát hiện trên đập vào ngày 22-7. Vào khoảng 9h tối cùng ngày, đập đã bị hư hại một phần.

Ngay tại thời điểm đó, giới chức địa phương đã đưa ra cảnh báo yêu cầu người dân sống gần khu vực đập tiến hành sơ tán. Một đội kỹ sư xây dựng đã được điều đến để gia cố vết nứt, nhưng lại bị cản trở bởi mưa lớn kéo dài.

Vị trí khu vực đập thủy điện được xây dựng và mức độ ảnh hưởng dựa trên bản đồ. Ảnh: BBC

Đến 3h sáng ngày 23-7, cơ quan chức năng đã tiến hành xả nước tại một trong những đập chính (đập Xe-Namnoy) nhằm làm giảm mực nước tại các đập phụ. Cùng lúc này, chính quyền Lào đã ra yêu cầu người dân ở vùng hạ lưu di tản, sau khi biết rằng có thể có nhiều thiệt hại hơn tại đập.

Tuy nhiên, đến 8h tối ngày 23-7, bất chấp nỗ lực của cơ quan chức năng, đập Xe-Pian Xe-Namnoy đã bị vỡ, gây lũ quét và ngập úng cục bộ cho các ngôi làng nằm ở vùng hạ lưu, nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà.

Công ty Ratchaburi Electricity, một công ty Thái Lan tham gia đầu tư vào dự án, tuyên bố rằng nguyên nhân chính gây ra các vết nứt dẫn đến vỡ đập là do mưa lớn kéo dài liên tục làm lượng nước trong hồ chứa tăng quá cao.

Toàn bộ khu vực hạ lưu đã bị nhấn chìm trong biển nước sau sự cố. Ảnh: Reuters
Những cánh đồng ngập trong nước lũ. Ảnh: Reuters

Kết quả, hơn 5 tỉ mét khối nước đã trút xuống vùng hạ lưu và xuống khu vực sông Xe-Pian khoảng 5km. Tính đến ngày 25-7, đã có ít nhất 20 người thiệt mạng, 100 người mất tích sau sự cố vỡ đập, hơn 6.000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Văn phòng Thủ tướng Lào ngày 24-7 cho biết, chính phủ nước này đã công bố khu vực chịu sự ảnh hưởng của ngập lụt tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, là vùng thiên tai khẩn cấp, chịu tác động trực tiếp từ sự cố vỡ đập thủy điện ở tỉnh này. 

Với tham vọng trở thành "nguồn năng lượng của châu Á", Lào đã khởi công xây dựng chuỗi đập thủy điện tại nhiều khu vực trên cả nước, hướng đến mục tiêu bán điện cho các nước láng giềng.

Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, nhận định sự cố vỡ đập có thể coi là một cú sốc lớn đối với kế hoạch của Lào nhằm trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Đông Nam Á.

Lam Ninh (Theo BBC)
.
.
.