Nguy cơ chạy đua vũ trang tên lửa ở bán đảo Triều Tiên

Thứ Tư, 20/07/2016, 08:09
Ngày 19-7, CHDCND Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo có tầm bay từ 500km - 600km ra bờ biển phía Đông. Sự kiện này được coi như là “đòn trả đũa” của Bình Nhưỡng sau khi Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố tìm được địa điểm để đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo được phóng ra từ tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên.

Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức quân đội Mỹ cho biết, họ đã phát hiện và theo dõi việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa. 3 tên lửa nói trên gồm 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud và 1 tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong đã được phóng liên tục trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ.

Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc thì dẫn nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) nước này cho biết, 3 quả tên lửa mà Bình Nhưỡng vừa phóng được cho là thuộc loại Scud.

Các tên lửa này được phóng từ thành phố Hwangju ở miền Tây CHDCND Triều Tiên và đã bay được 500km-600km hướng ra biển Nhật Bản. Hai trong số 3 tên lửa này đã rơi xuống biển Nhật Bản. Tên lửa còn lại vẫn đang được các chuyên gia tiến hành phân tích do chưa xác định được đường đi của tên lửa. JCS khẳng định, hiện quân đội Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao các động thái của phía CHDCND Triều Tiên.

Đồng thời, hãng Yonhap cũng dẫn lời của một quan chức thuộc JCS cho rằng, các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là một hành động khiêu khích, đe dọa an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân Hàn Quốc. Quan chức này còn chỉ trích kịch liệt “các hành động khiêu khích liều lĩnh” tái diễn nhiều lần của Bình Nhưỡng.

Vụ phóng tên lửa sáng 19-7 của CHDCND Triều Tiên được coi là đòn trả đũa việc Mỹ và Hàn Quốc đạt thỏa thuận triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Ảnh: The Diplomat.

Trong lúc này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực thủ đô Seoul nhằm đối phó với khả năng xảy ra các cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía CHDCND Triều Tiên.

Việc nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-2 được bố trí tại tỉnh Gangwon nằm ở phía Đông Bắc, thủ đô Seoul cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Hãng Yonhap cho biết, hiện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc muốn nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-2 thành PAC-3 bởi khi hai tên lửa đánh chặn PAC-3 được bắn vào cùng một mục tiêu thì tỷ lệ thành công sẽ là 90%.

Melissa Hanham, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Monterey, California nhận định: “Có vẻ như đây là biện pháp chính trị thay vì kỹ thuật. Tôi nghĩ, số lượng và tầm xa của các tên lửa mà CHDCND Triều Tiên đã phóng không có gì lạ bởi họ đã đạt được kỹ thuật này từ lâu”.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích thì cho rằng, đây chỉ là “đòn trả đũa” của Bình Nhưỡng bởi cách đây 10 ngày, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Hôm 13-7, Seoul và Washington còn thống nhất việc chọn thị trấn Seongju thuộc vùng núi phía Nam Hàn Quốc làm địa điểm triển khai THAAD và dự kiến triển khai muộn nhất vào cuối năm 2017.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo phân tích, hệ thống THAAD có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên. Nghĩa là, nếu Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo vào Seoul từ bờ phía Đông, THAAD có thể đánh chặn được, kể cả loại tên lửa Musudan vốn có khả năng bay 2.000km.

Liên quan đến sự kiện CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, Mỹ cảnh báo sẽ nêu quan ngại về các vụ thử tên lửa mới nhất của quốc gia này lên Liên Hợp Quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an LHQ để thúc đẩy giải pháp quốc tế buộc Bình Nhưỡng chịu trách nhiệm trước những hành động gây hấn này.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross tuyên bố: “Mỹ lên án mạnh mẽ việc CHDCND Triều Tiên phóng 3 tên lửa vào sáng 19-7 và các vụ thử tên lửa gần đây của nước này, coi đó là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cấm các vụ phóng của Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”.

Còn Chính phủ Nhật Bản cho biết đã gửi kháng nghị tới CHDCND Triều Tiên, phản đối vụ phóng các tên lửa đạn đạo, nhấn mạnh rằng đây là hành động cực kỳ khó hiểu xét trên quan điểm đảm bảo an toàn cho máy bay và tàu bay.

Sông Thương
.
.
.