Nga cảnh báo chiến lược mới của IS
- IS khai thác trẻ em làm công cụ tuyên truyền cho Nhà nước Hồi giáo
- Liên minh đặc biệt chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng
- Quân Chính phủ Syria chỉ còn cách Raqqa “thủ đô Nhà nước Hồi giáo” vài km
- Có bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng
Nước Nga hôm 24-6 dẫn lời phát biểu của Giám đốc Trung tâm chống khủng bố của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) Andrei Novikov nhấn mạnh rằng, IS đang tìm cách khuất phục lực lượng phiến quân Taliban tại Afghanistan và các nhóm vũ trang địa phương khác để có thể “định cư an lành” tại Afghanistan, từ đó dễ dàng mở rộng ảnh hưởng của chúng sang Trung Á.
Ông Novikov cảnh báo, tổ chức khủng bố này đang “xuất khẩu” một mô hình hoạt động khủng bố và cực đoan mới từ các khu vực chiến sự (ở Syria và Iraq) tới các quốc gia Trung Á, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc Taliban tăng cường nhiều hoạt động mạnh mẽ tại các vùng lãnh thổ ở phía Bắc Afghanistan có thể là dấu hiệu cho thấy một số chỉ huy của lực lượng này đã thay đổi lòng trung thành và gia nhập IS.
Lực lượng an ninh Afghanistan kiểm tra một chiếc xe sau một vụ nổ bom. |
Mới hôm 22-6 vừa qua, một tay súng Taliban đã sát hại 4 thành viên, trong đó có thủ lĩnh quan trọng của Taliban là Qari Aman tại huyện Darzab thuộc tỉnh Jawzjan ở phía Bắc Afghanistan và sau đó gia nhập IS. Việc Qari Aman bị sát hại là mất mát lớn cho phiến quân Taliban tại Jawzjan và các tỉnh lân cận như Faryab, Saripul. Vụ việc xảy ra vào đúng thời điểm giao tranh giữa phiến quân Taliban và IS trong suốt 3 ngày qua để tranh giành vị thế tại khu vực Darzab.
Tỉnh Jawzjan cũng đã trở thành tâm điểm diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng phiến quân Taliban và IS trong hơn 1 năm qua. Giám đốc Trung tâm chống khủng bố của SNG nhắc lại rằng, Taliban không bao giờ tuyên bố kiểm soát các vùng lãnh thổ bên ngoài Afghanistan, trong khi đó, năm 2015, IS lại tuyên bố thành lập ở nước này một “tỉnh” mở rộng sang lãnh thổ các nước Trung Á.
Giám đốc Novikov nêu rõ: “Các báo cáo phân tích những cuộc đối đầu quân sự tại Afghanistan cho thấy, các chiến binh (địa phương) không chỉ đang áp dụng chiến lược quân sự của IS mà còn cả các khái niệm răn đe của chúng”. Bên cạnh đó, các phần tử cực đoan hiện đang tìm cách chiếm các thành phố lớn và sau đó dần dần giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ lân cận, đặt nền móng cho việc mở rộng hơn nữa lãnh thổ.
Ông Novikov kết luận rằng: “Trong trung hạn, IS đã đặt ra mục tiêu để mở rộng ảnh hưởng tới các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Afghanistan nhằm tiếp cận khu vực biên giới với các nước Trung Á, cũng như khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc”. Hồi năm 2014, ông Novikov cũng từng cảnh báo khu vực Trung Á có thể bị các phần tử khủng bố sử dụng để trung chuyển vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Không chỉ Trung Á, dường như IS đã vươn “vòi bạch tuộc” sang khu vực Đông Nam Á. Mới đây nhất, IS đã lên tiếng kêu gọi các phần tử có quan hệ với chúng tại Malaysia tiêu diệt ông Ayob Khan, người đứng đầu Lực lượng chống khủng bố thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia và được IS coi là mối đe dọa chính với nhóm khủng bố này tại khu vực Đông Nam Á.
Còn tại Philippines, chiến sự kéo dài gần 1 tháng qua tại thành phố Marawi giữa quân chính phủ và các tay súng tuyên bố trung thành với IS vẫn đang tiếp diễn. Kể từ khi cuộc chiến bùng phát vào ngày 23-5 đến nay, ít nhất 369 người đã thiệt mạng, trong đó có 67 binh sĩ và cảnh sát. Trong khi đó, Indonesia mới đây cảnh báo rằng mầm mống IS đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành nước này, làm dấy lên quan ngại IS, lực lượng vốn đang thất thế tại chiến trường Iraq và Syria, sẽ vươn đến khu vực Đông Nam Á.
Trước mối quan ngại này, hôm 22-6, Ngoại trưởng và quan chức cấp cao ba nước Philippines, Indonesia và Malaysia đã tiến hành đàm phán tại thủ đô Manila, Philippines nhằm cải thiện tình hình an ninh, đặc biệt là tình trạng giao tranh tại thành phố Marawi, Philippines hiện nay. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, nguy cơ từ phiến quân mà khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt ngày càng rõ. Các nước cần phối hợp với nhau để có hành động chung.
Trong khi Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman thì cho rằng, cả ba nước cần xây dựng một hệ thống hiệu quả nhằm xác định và đối phó với hoạt động khủng bố, bao gồm các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo và những hoạt động mang tính đổi mới, hiệu quả trong hoạt động chống khủng bố.