Mỹ quyết tâm đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế
- Luật Biển là công cụ pháp lý quốc tế để duy trì hòa bình và an ninh hàng hải
- An ninh hàng hải - vấn đề cần được coi trọng
- Bảo đảm an ninh hàng hải, phòng chống khủng bố tại cảng biển
Tờ Express của Anh ngày 30-7 đưa tin, Hàn Quốc hiện đang lên kế hoạch cử một tàu khu trục tải trọng 4.500 tấn tới Eo biển Hormuz như một phần trong lực lượng hải quân do Mỹ dẫn đầu với mục đích bảo vệ tàu chở dầu đi qua tuyến đường hàng hải then chốt này. Tàu khu trục trên trực thuộc Cheonghae 302, một đơn vị tinh nhuệ còn được bổ sung một trực thăng chống tàu ngầm Lynx và ba tàu cao tốc.
Đơn vị Cheonghae 302 có thể gia nhập hạm đội gắn cờ Mỹ sau khi Washington kêu gọi thành lập một lực lượng an ninh hàng hải chung trong khu vực. Đơn vị tinh nhuệ Cheonghae 302 từng có cơ hội làm việc với lực lượng Mỹ và Liên minh châu Âu trong một vài dịp khi giải quyết vấn nạn cướp biển. Từ năm 2009, đơn vị này đóng quân tại Vịnh Aden, nằm giữa Somali và Yemen.
Đơn vị tinh nhuệ Cheonghae 302 của Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Thông tin này trùng hợp với tuyên bố của một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cấp cao giấu tên rằng Seoul quyết định rút một đơn vị tinh nhuệ khỏi vùng biển Somali - nơi họ làm nhiệm vụ tham gia cuộc chiến chống cướp biển – để điều động sang vùng Vịnh. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hiện chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin này, song Bộ trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các tàu chở hàng.
“Tất nhiên chúng tôi phải bảo vệ tàu của mình đi qua Eo biển Hormuz. Vì vậy chúng tôi đang xem xét nhiều phương án”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Ro Jae-cheon cho biết.
Còn đối với Nhật Bản, lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump thực sự đã đẩy Thủ tướng Shinzo Abe vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải lựa chọn giữa việc chiều theo đồng minh quân sự chính của nước này hoặc bỏ qua lời kêu gọi trên để trấn an các cử tri trong nước vốn hoài nghi về việc triển khai quân sự tại nước ngoài.
Ông Garren Mulloy, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka ở Saitama (Nhật Bản) cho biết: “Thủ tướng Shinzo Abe lo ngại dư luận về vấn đề an ninh song cũng sợ “chọc giận” Tổng thống Donald Trump. Điều này cho thấy thế khó của ông Shinzo Abe và của nội các Nhật Bản”.
Ở khía cạnh thứ nhất, có nhiều ý kiến cho rằng, Nhật Bản rất khó để khước từ đề xuất của Mỹ bởi Tổng thống Donald Trump từng đe dọa đánh thuế nặng tay đối với lĩnh vực xuất khẩu ôtô chủ chốt của Tokyo, coi đây là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc – một đồng minh khác của Mỹ đang cạnh tranh với Nhật Bản về sự hỗ trợ của Washington, đã xem xét điều động một đơn vị hải quân tham gia liên minh an ninh hàng hải do Mỹ dẫn đầu. Chưa hết, Thủ tướng Nhật Bản cũng từng cho rằng, việc di chuyển an toàn qua Eo biển Hormuz là “vấn đề sống còn” xét về mặt an ninh năng lượng.
Ông Ryo Sahashi, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Tokyo cho biết: “Để được sự đảm bảo của Mỹ về mặt an ninh, thì một đồng minh của Mỹ tại Đông Á cần phải hợp tác với Washington ở Trung Đông. Có rất nhiều lý do để giải thích tại sao việc tham gia liên minh lại khó khăn, thứ nhất là quan hệ giữa Nhật Bản và Iran, tiếp đến là rất khó tìm một cơ sở pháp lý”.
Ở khía cạnh còn lại, Tổng thống Shinzo Abe đã tìm cách nới lỏng những hạn chế của hiến pháp được soạn thảo từ Thế chiến II, hay còn gọi là “Hiến pháp hòa bình” quy định “không sử dụng vũ lực hay đe dọa bằng vũ lực khi giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Nói cách khác, các binh sĩ Nhật Bản sẽ không được phép tham chiến ở nước ngoài, và chỉ được nổ súng phản công trong trường hợp bị tấn công, xâm lược.
Năm 2015, liên minh của Thủ tướng Shinzo Abe đã có một số sửa đổi nhất định, bằng việc thông qua đạo luật cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản bảo vệ các quốc gia đồng minh trong trường hợp họ bị tuyên chiến. Quyết định này đã gây ra cuộc biểu tình lớn trong nước và sự tranh cãi giữa các nhà lập pháp.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu của thượng viện cách đây 1 tuần, Thủ tướng Shinzo Abe đã tái khẳng định lại cam kết đẩy mạnh nỗ lực sửa đổi hiến pháp để làm rõ hơn quyền hạn pháp lý của Lực lượng phòng vệ - một động thái có thể gây ra những phản ứng tương tự.
Nhà phân tích Sahashi, thuộc Đại học Tokyo cho rằng, Nhật Bản có thể thay đổi quan điểm và đồng ý tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh, tuy nhiên với mức độ hạn chế: “Họ sẽ đàm phán về sự hợp tác ở cấp độ thấp, để ít nhất chứng minh rằng, Nhật Bản là một phần của lực lượng đặc nhiệm đảm bảo an ninh tại vùng Vịnh”.
Hôm 21-7, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để ổn định khu vực và bày tỏ mong muốn có cuộc thảo luận với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Còn ở trong nước, dư luận Nhật Bản hiện cũng đang chia rẽ về vấn đề này. Một cuộc khảo sát do kênh truyền hình Tokyo công bố hôm 29-7 cho thấy, 41% số người được hỏi cho rằng, Tokyo nên điều tàu quân sự tới khu vực, trong khi 42% phản đối ý tưởng này.