Mỹ mở rộng quy mô trừng phạt Iran
- Iran kêu gọi Nga-Trung lập câu lạc bộ chống lệnh trừng phạt của Mỹ
- Mỹ liên tiếp thông qua lệnh trừng phạt Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/7 cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở rộng quy mô các lệnh trừng phạt Iran liên quan đến kim loại, nhằm vào 22 vật liệu đặc biệt, trong đó có nhiều dạng vật liệu bằng thép, nhôm... được cho là đã được sử dụng trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo và quân sự. Động thái này được cho là nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và quân sự của Tehran.
Các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao sẽ cho phép Washington đưa vào danh sách đen bất cứ ai cố tình chuyển từ hoặc tới Iran các vật liệu, như than chì, hoặc các kim loại thô hoặc đã qua sơ luyện. Ngoại trưởng Mỹ lập luận rằng các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và quân sự của Iran "đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế".
Trước đó, Mỹ đã trừng phạt lĩnh vực kim loại của Iran trong một động thái được cho là nhằm chặn nguồn thu nhập của nước này. Căng thẳng giữa Washington và Tehran gia tăng kể từ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà các cường quốc và Iran đã ký, đồng thời bắt đầu tái áp đặt các trừng phạt từng được nới lỏng theo thỏa thuận này.
Cùng ngày, phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, ông Pompeo khẳng định Mỹ sẽ tìm cách để duy trì các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Iran nếu lệnh cấm vận vũ khí hiện nay hết hiệu lực.
Ông Pompeo cho biết, Mỹ sẽ đưa ra một dự thảo nghị quyết nhằm kéo dài lệnh cấm vận trong tương lai và hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận của các thành viên khác của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Trong trường hợp nghị quyết trên không được thông qua, chúng tôi sẽ thực hiện hành động cần thiết nhằm đảm bảo rằng lệnh cấm vận vũ khí này sẽ không kết thúc”.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc, hai trong số 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ có quyền phủ quyết, muốn lệnh cấm vận vũ khí thông thường cho Iran kết thúc vào ngày 18-10 tới như đã được đưa ra theo một nghị quyết năm 2015.
Trong khi đó, Pháp và Anh bày tỏ ủng hộ gia hạn lệnh cấm vận, song khẳng định cần ưu tiên hơn cho việc duy trì giải pháp ngoại giao nhằm ngừng chương trình hạt nhân của Iran. Vấn đề trên dự báo sẽ được đưa ra bàn thảo trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đối thủ của ông Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden cho biết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran.