Mong chờ một Brexit thân thiện và công bằng

Thứ Hai, 19/06/2017, 10:25

Ngày 19-6, Vương quốc Anh và Liên minh châu ÂU (EU) sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán liên quan tới việc nước này rời khỏi EU (Brexit). 

London đã kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon và chính thức trình thư xin rút khỏi EU cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vào ngày 29-3.

Theo đó, tiến trình đàm phán này sẽ được hoàn thành trước ngày 30-3-2019. Tuy nhiên, hai bên có thể gia hạn thêm thời gian nếu việc đó là cần thiết.

Ủy ban châu Âu (EC) cho hay, chương trình nghị sự của vòng đàm phán đầu tiên sẽ tập trung vào các vấn đề bao gồm: quyền công dân; giải quyết tài chính; biên giới phía Bắc của Ireland và một số vấn đề bên lề khác.

Ảnh: Pixabay. 

Những kịch bản có thể xảy ra

Nếu Anh vẫn tiếp tục những bước đi "cứng rắn" như những gì bà May và đảng Bảo Thủ tuyên bố trước đây, nước Anh sẽ mất đi quyền tiếp cận với thị trường EU, mất đi "bốn tự do hóa" mà các nước thành viên EU có được chính là tự do hàng hóa, vốn, dịch vụ và lao động

Mặt khác, EU đã từng tỏ thái độ cứng rắn bởi EU không muốn Brexit trở thành một tiền lệ. Khi hai quan điểm cứng rắn đối đầu, tiến trình Brexit có thể rơi vào trạng thái hỗn loạn và không đưa ra được bất cứ thỏa thuận nào hợp lý cho hai bên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Thủ tướng Anh Theresa May thắng cử Quốc hội nhưng không dành được đa số phiếu và nhằm tránh sự đổ vỡ cho mối quan hệ kéo dài 44 năm qua giữa Anh và EU, giới chuyên gia cho rằng kịch bản thứ hai  của tiến trình Brexit, mềm dẻo hơn, "dễ thở" hơn là hoàn toàn có khả năng.

Trước đó, hôm 13-6, các Bộ trưởng cấp cao thuộc Chính phủ bảo thủ của Anh cùng các thành viên Công đảng, đảng đối lập chính của nước này, đã tổ chức các cuộc hội đàm kín nhằm thảo luận về tình huống Brexit "mềm". Bà May biết về cuộc thảo luận này nhưng không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters. 

Mong chờ một Brexit thân thiện và công bằng

Mới đây, Thư ký về vấn đề Brexit của Anh tuyên bố: "Chúng tôi không quay lưng lại với châu Âu. Điều quan trọng là các thỏa thuận được nhất trí sẽ cho phép cả Anh và EU cùng phát triển, như một mối quan hệ đối tác sâu đậm và đặc biệt."

Hôm 18-6, Ủy viên phụ trách Kinh tế và Tài chính của EU, ông Pierre Moscovici cho biết: "Tiến trình Brexit, chúng tôi sẽ không "cứng" cũng không "mềm", nhưng chắc chắn sẽ thân thiện và công bằng.

Hai giai đoạn đàm phán

Theo định hướng đã được hai bên thông qua vào tháng 5, tiến trình Brexit sẽ được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào hai vấn đề chính là quyền công dân và những ảnh hưởng trực tiếp của Brexit với EU, đồng thời giải quyết các quyền và nghĩa vụ tài chính mà Anh phải thực hiện với tư cách là một quốc gia thành viên của EU.

Ngoài ra, giai đoạn này cũng sẽ thảo luận thêm về cách ứng phó với các đối tác nước ngoài và tổ chức quốc tế.

Giai đoạn hai sẽ tập trung thảo luận về các hiệp định và mối quan hệ trong tương lai giữa Brussels và London. Tuy nhiên, để đạt tới giai đoạn này, thì giai đoạn đầu tiên được coi là quan trọng nhất, “khó nhằn” nhất.  

Sau khi cả hai giai đoạn đàm phán được hoàn thành, EU và Anh đạt được thỏa thuận chung, Anh sẽ chính thức không còn là thành viên của EU.  

Như Uyên
.
.
.