Lập trường cứng rắn của EU đối với tiến trình đàm phán Brexit

Thứ Hai, 01/05/2017, 10:52
Hôm 29-4 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua chiến lược của khối về việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Những điều khoản được đưa ra trong kế hoạch chung cho thấy lập trường cứng rắn của EU đối với tiến trình đàm phán Brexit.

Các cuộc đàm phán cứng rắn

Cụ thể, chỉ khoảng một phút sau khi Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của lãnh đạo 27 nước thành viên EU ở Brussels (Bỉ) khai mạc, các nhà lãnh đạo đã thông qua những điểm chính trong các nguyên tắc căn bản cho tiến trình đàm phán Brexit gồm: giải quyết thủ tục “ly dị” - giai đoạn đầu tiên của tiến trình đàm phán Brexit gồm những cam kết đóng góp tài chính của Anh đối với EU, vấn đề biên giới Bắc Ireland và quyền được cư trú tại Anh của công dân EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk giải thích cụ thể rằng, ưu tiên số một của EU là đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho 3 triệu công dân EU sống tại Anh và hơn 1 triệu người Anh sống tại EU. Tức là, EU cần nhận được sự đảm bảo từ phía London về các quyền sống, làm việc và học tập của công dân EU tại Anh thời hậu Brexit. Tiếp theo đó, châu Âu cũng sẽ yêu cầu Anh tất toán các “hóa đơn” rời khỏi châu Âu phù hợp nhất có thể, theo đó tính đến cả những cam kết về ngân sách đến ngày nước này chính thức chia tay EU với con số không chính thức vào khoảng 50 - 60 tỷ euro.

Vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland (thuộc Anh) là một trong 3 ưu tiên của châu Âu. EU mong muốn tiến trình hòa bình phải được tiếp tục tại Bắc Ireland và nhấn mạnh cần tránh áp dụng một đường biên giới “cứng” giữa Anh với Cộng hòa Ireland. Các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh, thỏa thuận thương mại với nước Anh sẽ chỉ được đưa ra bàn thảo sau khi giai đoạn 1 của tiến trình đàm phán đạt được “tiến bộ đáng kể”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo 27 nước EU cũng cảnh báo rằng, London không nên ảo vọng về việc nhanh chóng đảm bảo được mối quan hệ mới để tiếp tục tiếp cận thị trường EU.

Phản ứng trước kế hoạch này của EU, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố London quyết giữ vững lập trường về đàm phán Brexit, thà không đạt được thỏa thuận còn hơn chấp nhận một thỏa thuận tồi, gây bất lợi cho nước Anh. Thủ tướng Anh cũng khuyến cáo người dân rằng những tuyên bố cứng rắn của các nhà lãnh đạo EU trong thời gian qua cho thấy cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian.

Trước đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis cho rằng, cả hai bên đều muốn các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tốt đẹp thì thiện chí cần phải đến từ cả hai phía. Tuy nhiên, ông Davis cũng thừa nhận các cuộc đàm phán này sẽ là những cuộc đàm phán phức tạp nhất mà nước Anh phải đối mặt từ trước đến nay.

Các cuộc đàm phán cứng rắn sẽ diễn ra, trong một số vấn đề thậm chí có thể xảy ra “đối đầu” giữa các bên.

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của EU ở Brussels (Bỉ) hôm 29-4. Ảnh: Reuters.

Cái giá phải trả không hề nhỏ

Rõ ràng, việc Anh “ly dị” với EU cho dù có theo cách nào thì cái giá phải trả đều không hề nhỏ: 60 tỉ USD. Tại sao người Anh sau khi quyết định rời khỏi EU vẫn phải chi tiền?

Thứ nhất là cam kết chi trả được đưa ra trước kia. Dự toán ngân sách tài chính của EU 7 năm 1 lần. Thông thường, các nước thành viên đồng ý cung cấp tiền, sau đó Brussels lập kế hoạch. Điều này có nghĩa là, số tiền mà 7 năm trước bạn đồng ý chi, có thể 7 năm sau mới nhận được hóa đơn.

Theo thống kê, đến cuối năm 2018, các khoản tiền cần phải chi kiểu này là 241 tỉ euro và không thể né tránh, mỗi quốc gia đều phải dựa theo tỷ lệ kinh tế quốc dân của mình để đóng góp. Anh chi 15%, tương đương 36 tỉ euro, sau khi khấu trừ “khoản giảm bớt đóng góp ngân sách của Anh vào EU” mà cố Thủ tướng Margaret Thatcher giành được, tỉ lệ Anh đóng góp vẫn phải chiếm đến 12%, tương đương 29 tỉ euro.

Thứ hai là liên đến các hạng mục trong tương lai (từ năm 2019 - 2020). Theo Brussels, vì Anh vẫn có nghĩa vụ đối với năm tài chính này (7 năm), như quỹ công trình dùng để xây dựng đường sá hoặc hỗ trợ người thất nghiệp. Anh đã tham gia 5 quỹ kiểu này, chiếm khoảng 17 tỉ euro. Bên cạnh đó là lương hưu của nhân viên EU. Hiện EU có 22.000 nhân viên đã nghỉ hưu, đến giữa thế kỷ XXI, số người nghỉ hưu sẽ tăng gấp đôi. Lương hưu của những người này được lấy từ ngân sách tài chính hằng năm của EU.

Và Brussel rất cứng rắn: nhân viên của EU vẫn là nhân viên của EU, không liên quan đến quốc tịch, London phải dựa theo tỉ lệ để đảm nhận tất cả các chi phí, tổng cộng là 8 tỉ euro (đã khấu trừ khoản giảm bớt đóng góp ngân sách của Anh, nêu không thì khoản này là 10 tỉ euro).

Có thể nói, nhìn lại lịch sử quan hệ giữa EU và Anh trong 40 năm qua, có thể nói là “gia nhập không dễ, giải tán cũng khó”. Điều then chốt hiện nay là xem hai bên dùng thái độ và phương thức gì để bước vào đàm phán kéo dài trong thời gian 2 năm: nếu xử lý tốt có lẽ là một sự thu hoạch đối với hai bên, nếu không thì có thể hao tâm tổn trí, hậu họa khôn lường.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.