Đức:

Mâu thuẫn trong đảng cầm quyền Đức vì vấn nạn người di cư

Thứ Năm, 29/10/2015, 11:46
Là một trong những quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn trong cuộc khủng hoảng di cư lần này, Đức đang rơi vào vòng xoáy của bất ổn và mâu thuẫn, nhất là khi đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) đưa ra tối hậu thư đối với đương kim Thủ tướng Angela Merkel.


Ngày 28/10, trong một động thái được cho là gia tăng sức ép đối với chính phủ, Chủ tịch đảng CSU đồng thời là Thủ hiến bang Bayern Horst Seehofer đã ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng Angela Merkel phải có biện pháp hạn chế dòng người di cư vào nước này. 

Tuyên bố trước báo giới, ông Horst Seehofer khẳng định, đến ngày 1/11, người đứng đầu Chính phủ Đức phải có câu trả lời rõ ràng với những yêu cầu của CSU về việc hạn chế người di cư vào Đức. Cụ thể, CSU muốn rằng, ngày 1/11 cũng sẽ là ngày mà Đức sẽ ra quyết định chấm dứt việc nhận thêm những người di cư ở vùng biên giới với Áo. Trong khoảng thời gian từ nay đến đó, theo quan điểm của Chủ tịch CSU, Đức cần phải thảo luận với Áo để điều phối lại dòng người tị nạn từ Áo vào bang Bayern. 

Giới quan sát nhận định rằng, đây là phát biểu gay gắt nhất của ông Horst Seehofer với bà Angela Merkel kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng di cư. 

Điều đáng chú ý là CSU đang là đảng liên kết với Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel trong liên minh cầm quyền. Sự khác biệt của CSU với CDU trong vấn đề di cư có thể làm nảy sinh thêm nhiều mâu thuẫn mới, tác động xấu lên chính trường cũng như vấn đề an ninh của nước này. Trước đó, Thủ hiến bang Bayern cũng đã không ít lần cảnh báo rằng liên minh này có thể tan rã nếu chính sách tị nạn hiện nay không được sửa đổi. 

Chủ tịch đảng CSU Horst Seehofer đã yêu cầu Thủ tướng Angela Merkel phải chấm dứt chính sách nhận người di cư ở vùng biên giới Áo vào ngày 1/11. Ảnh: DPA.

Ông Horst Seehofer cũng kêu gọi chính phủ liên bang phải lập tức giới hạn dòng người di cư và đẩy nhanh hơn nữa công tác xét duyệt hồ sơ tị nạn. Đồng tình với quan điểm của CSU, nhiều cơ quan an ninh ở Đức cũng đã tỏ thái độ phê phán chính sách đối với người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Những cơ quan này cho rằng, dòng người từ khắp nơi trên thế giới đổ vào Đức đã dẫn tới những bất ổn ở nước này. 

Ông Rainer Wendt, Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Cảnh sát Đức cho rằng, việc tăng cường kiểm soát cửa khẩu là cần thiết để giảm áp lực quá tải của cảnh sát khi ngăn chặn dòng chảy người di cư. Bên cạnh đó là những nguy cơ mới về xung đột an ninh xảy ra ở một số địa phương trên cả nước…

Thống kê của Cục Thống kê liên bang Đức cho thấy, năm 2014, số người nhập cư sinh sống ở Đức đã tăng 3,7%, và năm nay con số có thể là từ 800.000 người đến 1 triệu người. 

Hãng Telegraph của Anh viết, Đức là thành viên Liên minh châu Âu (EU) có người di cư tìm đến đông nhất, do điều kiện kinh tế - xã hội tương đối ổn định so với các nước khác trong khu vực từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. 

Điều đáng nói là Bộ Nội vụ Đức đã phát hiện rằng, 30% trong số những người nhập cư vào Đức khai báo họ là công dân Syria nhưng trên thực tế lại là người từ nước khác. 

Hôm 23/10, chính quyền Berlin đã phải công bố các biện pháp mới ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư này. Theo đó, bà Angela Merkel vẫn kiên quyết bảo vệ chính sách giải quyết khủng hoảng hiện nay, trong đó khẳng định không đặt giới hạn trần tiếp nhận người tị nạn, không đóng cửa biên giới và sẽ đẩy nhanh việc đưa những người bị bác đơn tị nạn về nước. 

Đồng thời, Đức cũng quyết định chi 6 tỷ euro để giải quyết vấn đề nhập cư. Song, sự căng thẳng giữa các đảng trong liên minh cầm quyền ở Đức đang được coi là dự báo cho những ảnh hưởng mới của vấn đề di cư đối với sự ổn định chính trị ở các quốc gia châu Âu. 

Chính vì lẽ đó mà các nhà lãnh đạo EU hôm 26/10 đã thống nhất việc triển khai hơn 400 lính biên phòng trong vòng 1 tuần để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại các quốc gia vùng Tây Balkan. EU cũng sẽ cố gắng đẩy nhanh việc cho hồi hương người Afghanistan, Iraq và công dân các nước châu Á khác nếu đơn xin tị nạn bị bác bỏ. Một số quốc gia khác cũng đã triển khai các biện pháp ứng phó mới.

Phan Hiển
.
.
.