Lo ngại biến thể Delta, nhiều nước áp thêm hạn chế kiểm dịch

Chủ Nhật, 27/06/2021, 08:36
Nhiều nước như Bangladesh, Australia, Indonesia hay Israel đang chạy đua nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta của virus Corona, đang được coi là một trong những thách thức lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 trên thế giới.
Ảnh minh họa Reuters.

Trong khi các chiến dịch tiêm chủng đã làm giảm các ca nhiễm ở hầu hết các quốc gia giàu có, sự gia tăng của biến thể Delta đã làm dấy lên lo ngại về làn sóng mới của đại dịch đã giết chết khoảng 4 triệu người.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hiện có rất nhiều quan ngại xung quanh biến thể Delta. “Biến thể Delta là biến thể dễ lây truyền nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay, đã được xác định ở ít nhất 85 quốc gia và đang lan truyền nhanh chóng tại những khu vực dân cư chưa được tiêm chủng đầy đủ”, ông Tedros cho biết.

Chính phủ Bangladesh cho biết sẽ áp dụng các lệnh đóng cửa quốc gia từ ngày 28/6 do những lo ngại về biến thể mới. Các văn phòng sẽ buộc phải đóng cửa trong vòng một tuần và chỉ những hoạt động vận tải thiết yếu được cho phép.

Trong khi đó, thành phố lớn nhất của Australia là Sydney đã bắt đầu lệnh đóng cửa kéo dài hai tuần, toàn dân được yêu cầu ở nhà, chỉ được ra ngoài cho những hoạt động thực sự cần thiết. Lệnh giới nghiêm này áp dụng cho 5 triệu dân của thành phố, cùng với đó là hàng trăm nghìn người ở các thị trấn lân cận.

New Zealand cũng công bố lệnh tạm dừng du lịch đối với những hành khách chưa được tiêm chủng từ nước láng giềng Australia, kéo dài trong 3 ngày.

Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cho biết đất nước 270 triệu dân đang phải đối mặt với một “tình huống bất thường” và cam kết sẽ ứng phó với “các chính sách nhanh chóng và phù hợp”. Indonesia đã ghi nhận hơn 21.000 ca nhiễm mới trong ngày 26/6.

Biến chủng Delta, được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 4, dễ lây lan đến mức các chuyên gia nói rằng hơn 80% dân số cần được tiêm chủng để ngăn chặn biến chủng này lây lan - một mục tiêu khó đạt được ngay cả đối với các quốc gia có chương trình tiêm chủng tiến triển tốt nhất. Hiện tại, biến thể này là nguyên nhân gây ra hơn 90% tổng số ca nhiễm mới ở Anh và khoảng 30% ở Mỹ.

Các nhà khoa học châu Âu ước tính biến chủng Delta có khả năng lây lan cao hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha, được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, mà bản thân biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn so với loại virus ban đầu được phát hiện vào cuối năm 2019.

Các chuyên gia cho biết biến thể Delta lây lan dễ dàng hơn do các đột biến giúp nó bám vào các tế bào trong cơ thể. Trong khi một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vaccine có hiệu quả kém hơn một chút đối với Delta, tuy nhiên, nếu được tiêm đầy đủ hai mũi vẫn có hiệu quả cao.

Israel là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng thành công nhất thế giới. Dù vậy, nước đã chứng kiến ​​các ca nhiễm mới tăng cao sau khi bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Sau 4 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca mỗi ngày, Bộ Y tế Israel đã bỏ quyết định nói trên và yêu cầu người dân tiếp tục đeo khẩu trang.

Trong khi đó, tai St. Petersburg, Nga, thành phố chủ nhà của 6 trận của Euro 2020, số ca tử vong hàng ngày được báo cáo hôm 26/6 đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu với hơn 107 ca. Nhà chức trách thành phố đã thắt chặt các hạn chế để kiểm soát sự gia tăng các ca nhiễm mới.

Tại Phần Lan, các quan chức y tế cho biết đã phát hiện sự gia tăng đột biến các ca nhiễm được cho là có nguồn lây từ những cổ động viện bóng đá từ Nga về nước. Viện trưởng Viện Y tế nước này cho biết cho đến nay đã phát hiện 120 ca liên quan đến các cổ động viên từ St. Petersburg và con số này có thể tăng thêm.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.