Lính đặc nhiệm Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ với Trung Quốc
- Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc lại đứng trước nguy cơ sứt mẻ?
- Ấn Độ bác tuyên bố của Trung Quốc về việc rút hết quân tại biên giới
Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận liên quan đến hai vụ đụng độ xảy ra trong vòng 48 giờ giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới. Diễn biến này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước chỉ hai tháng sau vụ đụng độ khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Ấn Độ và Trung Quốc, vốn từng xảy ra chiến tranh biên giới vào năm 1962, đã cáo buộc bên còn lại tìm cách vượt qua biên giới không chính thức của họ ở khu vực Ladakh để giành lãnh thổ vào tối 29/8, và vào ngày 31/8.
Mặc dù không bên nào công bố thương vong, nhưng Namgyal Dolkar Lhagyari, một thành viên của chính quyền Tây Tạng đang sống lưu vong, nói với truyền thông rằng một binh sĩ Ấn Độ gốc Tây Tạng đã "tử vì đạo trong cuộc đụng độ" vào tối 29/8.
Theo đó, một thành viên khác của Lực lượng Biên giới Đặc nhiệm (SFF) - lực lượng được cho là bao gồm nhiều người gốc Tây Tạng - đã bị thương trong vụ việc.
Binh sĩ Ấn Độ di chuyển qua đường cao tốc Quốc gia Srinagar-Leh. Ảnh: Anadolu Agency / Getty Images |
Trên thực tế, hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã gửi hàng chục nghìn binh sĩ đến khu vực Ladakh kể từ vụ đụng độ tàn khốc ngày 15/6 với việc sử dụng dùi cui và nắm đấm bằng gỗ. 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng, trong khi Trung Quốc thừa nhận có thương vong song không công bố số liệu cụ thể.
Hai bên đã đổ lỗi cho nhau về những "sự cố" xảy ra mới nhất.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc "đã thực hiện các hoạt động quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng" tại biên giới vào hôm 29/8.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lại nói rằng Ấn Độ đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc" với các hoạt động diễn ra hôm 31/8 và yêu cầu quân đội Ấn Độ rút lui.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 1/9 cho biết Trung Quốc đã gây ra vụ việc mới nhất “ngay cả khi các chỉ huy mặt đất của hai bên đang thảo luận để giảm leo thang căng thẳng”.
Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin quân sự cho biết PLA đã cố gắng chiếm các đỉnh đồi mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền lịch sử xung quanh Pangong Tso, một hồ nước ở độ cao 4.200 m.
Trong khi đó, Ấn Độ đã và đang tăng cường sức ép kinh tế lên Trung Quốc kể từ vụ đụng độ hồi tháng 6 và liên tục cảnh báo rằng các mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng trừ khi quân đội của Trung Quốc rút lui.