Leo thang căng thẳng Nga – NATO

Thứ Sáu, 12/02/2016, 08:11
Moskva khẳng định không cho phép bất kỳ kẻ thù nào thực hiện kế hoạch nhằm đe dọa và hủy diệt nước Nga.

Phản ứng trước việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 10-2 nhất trí thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu - một động thái có thể khiến quan hệ giữa NATO và Nga càng thêm căng thẳng, Nga khẳng định sẽ tăng cường tiềm lực quốc phòng nói chung, kho vũ khí hạt nhân nói riêng để đáp trả tương ứng sự gia tăng chiến lược răn đe của liên minh quân sự này. Moskva khẳng định không cho phép bất kỳ kẻ thù nào thực hiện kế hoạch nhằm đe dọa và hủy diệt nước Nga.

Phát biểu ngày 11-2, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang Nga Yevgeny Serebrennikov chỉ ra rằng, bất cứ ý đồ hay bước đi nào của NATO cũng đều nhằm mục đích kiềm chế Liên bang Nga, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và quân sự, cũng như sự hợp tác với các nước châu Á và Mỹ Latinh.

Ông Serebrennikov khẳng định nước Nga sẽ không cho phép mình “bị lôi kéo vào cuộc đua này”. Đồng quan điểm, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, nếu NATO đe dọa lãnh thổ Nga, Moskva sẽ đáp trả tương ứng: “Chúng tôi lo ngại các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của NATO được triển khai gần biên giới Nga, nhưng Moskva sẽ không chùn tay, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân, để bảo vệ an ninh quốc gia trước bất kỳ thế lực nào”.

Cuộc họp hôm 10-2 của NATO.

Trong khi đó, đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko chỉ ra rằng, tình hình an ninh tại châu Âu phụ thuộc trực tiếp vào mối quan hệ Nga - NATO, cũng như nền tảng của mối quan hệ này. Tuy nhiên, nền tảng đó đã bị rạn nứt do chính sách “kiềm chế Nga” của NATO được hiện thực hóa qua những động thái quân sự gần đây của liên minh quân sự này. Hay nói cách khác, đối với NATO, cái gọi là mối đe dọa chiến tranh lai ghép chỉ là lý do, cho phép “tìm một cái cớ cho hành động của họ ở cánh sườn phía Đông”.

Ông Grushko lưu ý rằng, Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997 vẫn là một trong những cột trụ của nền an ninh toàn châu Âu. Phá hoại thỏa thuận đó sẽ làm mất đi những định hướng quan trọng trong lĩnh vực quân sự - chính trị, làm mất ổn định thêm tình hình tại châu Âu. Đại diện thường trực của Nga tại NATO khẳng định Moskva không từ chối đối thoại với NATO trong khuôn khổ Hội đồng Nga - NATO, sự đối thoại này không vì mục tiêu hợp tác mà vì mục đích củng cố an ninh của toàn bộ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Nhưng, NATO dường như đang đi ngược lại những cam kết về tiếp tục đối thoại với Nga. Còn Cục trưởng Cục Kiểm soát và không phổ biến vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulianov thì cho rằng, việc NATO gia tăng hoạt động quân sự tại châu Âu là “con đường đi không có triển vọng”. Ông Ulianov khẳng định Liên bang Nga không phải là mối đe dọa thực tế đối với các nước thành viên NATO, và khi NATO gia tăng hoạt động, Nga cũng sẽ tiến hành một sự gia tăng tương ứng và đây là đường đi không có triển vọng.

Trước đó, ngày 10-2, các Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thành viên NATO đã thông qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu, với các lực lượng đa quốc gia trên bộ, trên không và trên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter giải thích, kế hoạch của NATO là nhằm giúp liên minh quân sự này xây dựng một năng lực răn đe ở mức toàn diện, cao nhất để có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược nào. Lực lượng đa quốc gia nói trên được đặt tại 6 nước khu vực Đông Âu gồm ba quốc gia Baltic (Litva, Latvia, Estonia), Ba Lan, Bulgaria và Romania, với quân số là 1.000 người tại mỗi nước.

Khi được hỏi về việc liệu con số 1.000 quân được đặt trên lãnh thổ mỗi trong 6 nước nói trên là có thể chấp nhận được hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz trả lời rằng: “Theo quan điểm của chúng tôi, con số đó là quá ít”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, quân số của lực lượng phản ứng nhanh, cơ sở cho lực lượng đồn trú tại 6 nước Đông Âu nói trên, sẽ được tăng gấp 3 lần, từ 13.000 lên 40.000 người. Bên cạnh đó, NATO cũng sẽ thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả có thể được triển khai trong vài ngày, với số lượng 5.000 binh lính được không quân và hải quân yểm trợ.

Ông Stoltenberg cho biết thêm rằng, ngoài 6 trung tâm chỉ huy đã mở ở Đông Âu trong năm 2015, NATO sẽ mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới từ nay cho tới cuối năm 2016. NATO cũng triển khai nhiều máy bay chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia Baltic như 4 máy bay F-16 của Bỉ được triển khai từ tháng 1 tới tháng 4-2016, sứ mệnh “cảnh sát trên không” triển khai từ căn cứ không quân ở Amari (Estonia), triển khai nhiều tàu trên biển Baltic và Biển Đen cũng như tăng cường diễn tập quân sự ở Đông Âu.

Cũng theo Tổng Thư ký NATO, Anh tuyên bố sẽ đóng góp 2 tàu chiến cho lực lượng hàng hải của NATO trong năm 2016, trong đó có một tàu khu trục được phái đến khu vực Baltic. Còn Mỹ dự kiến sẽ cung cấp 3,4 tỉ USD cho sáng kiến “tái trấn an châu Âu” trong năm 2017 bằng việc đảm bảo sự luân chuyển số lượng binh sĩ trong khu vực cùng với nhiều xe tăng và xe bọc thép. Đây là một mức tăng gấp 4 lần so với chi tiêu hiện nay của Washington dành cho khu vực. Bộ trưởng Carter cho biết, việc các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quân sự là điều rất quan trọng.

Mối quan hệ Nga - NATO đang đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea, NATO đã ra sức cáo buộc Moskva can thiệp vào tình hình Ukraine và tuyên bố cắt đứt quan hệ với Nga. Điện Kremlin đã kiên quyết bác bỏ các cáo buộc này nhưng NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.