LHQ ra nghị quyết cấm vận mới, Myanmar "thẳng tay" bác bỏ
- Ngôi làng Myanmar bị thiêu rụi sau giao tranh dữ dội
- Myanmar thẳng tay bắt giữ hàng trăm nghi phạm khủng bố
- Chính quyền quân sự Myanmar áp cáo buộc mới với bà Suu Kyi
Trước đó, ngày 18/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp và thông qua Nghị quyết về tình hình ở Myanmar với 119 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 36 phiếu trắng.
Nghị quyết kêu gọi chính quyền quân sự chấm dứt tình trạng khẩn cấp, tôn trọng tất cả các quyền con người của người dân Myanmar và khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ bền vững của quốc gia này.
Nghị quyết lên án mạnh mẽ hành vi đàn áp những người biểu tình ôn hòa, kêu gọi chính quyền quân sự trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người bị bắt giữ tùy tiện và chấm dứt các hạn chế về quyền tự do ngôn luận.
Chính biến tại Myanmar đã kéo theo làn sóng biểu tình lan rộng. Ảnh: EPA |
Nghị quyết đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên "ngăn chặn dòng chảy vũ khí vào Myanmar và kêu gọi Hội đồng Bảo an nên ngay lập tức biến điều này trở thành bắt buộc bằng cách áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar".
Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun, người từng lên án việc quân đội Myanmar lên nắm quyền, đã bỏ phiếu "đồng ý" và kêu gọi cộng đồng quốc tế "thực hiện hành động mạnh mẽ nhất có thể để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự" ở Myanmar.
Song, Bộ Ngoai giao Myanmar đã bác bỏ nghị quyết mà Đại hội đồng LHQ đưa ra, theo đó cho rằng nghị quyết vừa được thông qua không có tính ràng buộc pháp lý, và "dựa trên những cáo buộc phiến diện một phía và những giả định sai lầm".
Myanmar cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã gửi thư phản đối lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và chủ tịch Đại hội đồng LHQ (UNGA). Myanmar cũng nhấn mạnh nước này coi ông Kyaw Moe Tun như đã bị cách chức và lưu ý rằng ông ta đã bị buộc tội phản quốc ở Myanmar.
“Theo đó, tuyên bố, sự tham gia và hành động của ông ta trong cuộc họp là không hợp pháp và không thể chấp nhận được. Myanmar cực lực từ chối sự tham gia và tuyên bố của nhân vật này”, Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết.
“Trong khi Myanmar tiếp thu những lời khuyên mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết những thách thức mà Myanmar đang đối mặt, bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm chủ quyền nhà nước và can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar sẽ không được chấp nhận”, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định.