Kinh tế châu Âu suy giảm vì dịch COVID-19

Thứ Hai, 23/03/2020, 07:55
Đại dịch COVID-19 là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và châu Âu. Các chính phủ châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế chưa từng có trong thời bình. Những biện pháp như vậy được đánh giá là gây ra hậu quả kinh tế rất lớn, và được cảm nhận thông qua cả hai kênh cung và cầu. Bên cạnh đó, nó cũng khiến châu Âu đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế.


Phản ứng của châu Âu và những dự báo ảm đạm

Phản ứng của châu Âu đối với đại dịch cho đến nay là chậm trễ và thiếu phối hợp. Theo dữ liệu của Đại học John Hopkins, tốc độ gia tăng các ca nhiễm bệnh ở các nước đi theo mô hình tương tự nhau, Italy đi đầu, tiếp theo là Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia đang đưa ra các biện pháp khác nhau để xử lý cuộc khủng hoảng này, thay vì một giải pháp có tính chất phối hợp cùng nhau.

Các cách tiếp cận khác nhau này có thể sẽ kém hiệu quả trong việc kiềm chế virus SARS-CoV-2 hơn là một chiến lược thống nhất. Lợi ích quốc gia không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích của khu vực, ví dụ như Đức và Pháp đã hạn chế xuất khẩu khẩu trang y tế bất chấp lời cầu xin từ Italy - quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt.

Theo Bộ phận tư vấn kinh tế của Anh (EIU), cú sốc kinh tế đối với châu Âu là sự kết hợp giữa nhưng hiệu ứng của cả cung lẫn cầu, vì các chính phủ trong khu vực đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế chưa từng có trong thời bình đối với người dân nhằm trì hoãn thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh và bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Cảnh vắng vẻ tại Rome, Italy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng.

Cú sốc ban đầu về nguồn cung xuất phát từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, và tiếp sau đó là tác động của việc người lao động không thể đến nơi làm việc. Cú sốc ban đầu về nhu cầu xuất phát từ sự không chắc chắn về tình hình y tế và sức khỏe, khiến người tiêu dùng giảm bớt tương tác vật lý với người khác và khiến các công ty trì hoãn đầu tư.

Sự tụt giảm thu nhập và doanh thu đã khiến nhu cầu tiếp tục giảm và dẫn tới sự cắt giảm nguồn cung khi các công ty gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên và đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Những tác động gián tiếp có khả năng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi các biện pháp phong tỏa được duy trì trong thời gian dài hơn: Nhu cầu sẽ giảm khi người tiêu dùng trì hoãn hay thậm chí hủy bỏ tiêu dùng.

Mặc dù mức độ tiêu dùng trong một số loại hình tiêu dùng có thể sẽ được bù đắp sau khi cuộc khủng hoảng y tế đã chấm dứt, nhưng khả năng là các loại hình khác sẽ không thể khôi phục được – chẳng hạn như việc đi ăn tại các nhà hàng. 

Cuối cùng, nhu cầu chịu tác động của hiệu ứng lòng tin. Do quan ngại về tương lai, các công dân có thể sẽ gia tăng mức tiết kiệm phòng ngừa. Vấn đề y tế này càng kéo dài thì những khó khăn kinh tế cũng càng dai dẳng.

Những diễn biến trên đã làm thay đổi hoàn toàn triển vọng kinh tế của khu vực. Theo EIU, dự báo kinh tế của châu Âu sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% (dự báo trước đây là 1,6%), Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng trưởng 0,4% (dự báo trước là 1,2%).

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn của châu lục được dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế lần lượt là Đức 0,3%; Pháp 0,5%; Anh 0,6% và Italy là -1,1%. Những chỉ số trên được điều chỉnh khi mới chỉ tính đến tác động của việc thời gian làm việc bị cắt giảm, người dân và nhà đầu tư trì hoãn quyết định chi tiêu và đầu tư, thất bại trong kinh doanh, giao dịch thương mại và du lịch suy giảm, cũng như các biện pháp của chính phủ đã công bố giải quyết, hỗ trợ các vấn đề trên.

Và nếu tính thêm việc các phản ứng chính thức của chính phủ thất bại do sự cố phối hợp giữa các quốc gia hoặc sự cố hệ thống y tế, khủng hoảng nợ doanh nghiệp hay niềm tin của công chúng vào chính phủ hoặc trật tự công cộng đổ vỡ, thì con số trên chắc chắn sẽ còn thấp hơn nữa. Tất cả những rủi ro này đều làm cho triển vọng kinh tế xấu đi.

Những lĩnh vực kinh tế bị tác động nhiều nhất

Các hãng hàng không, du lịch, cũng như khách sạn, giải trí và bán lẻ, sẽ chịu sức ép lớn nhất trong ngắn hạn. Lượng khách ở các phố mua sắm sẽ giảm khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến - một xu hướng có khả năng được duy trì ngay cả sau khi cuộc khủng hoảng qua đi. Các công ty vốn đã khó khăn sẽ là những người đầu tiên phá sản.

Ví dụ, Hãng hàng không Flybe của Anh đã tuyên bố phá sản hồi đầu tháng này. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường có dòng tiền mặt dự phòng kém hơn so với các doanh nghiệp lớn, sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp tục hoạt động và trả nợ. Rộng hơn, có nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng doanh nghiệp khi hơn một nửa số nợ của các nhà sản xuất ôtô châu Âu sẽ đến hạn vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, cũng phải kể đến những tác động tích cực đối với một số lĩnh vực, ví dụ như các nhà sản xuất vật tư y tế và đồ vệ sinh sẽ có đơn đặt hàng tăng đột biến, và khi các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà, doanh số phần cứng công nghệ thông tin sẽ tăng mạnh.

Những biện pháp này sẽ giúp hạn chế số lượng doanh nghiệp phá sản và hỗ trợ những người không thể làm việc do các biện pháp kiểm dịch, điều này sẽ giảm thiểu tác động đến các nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến việc thâm hụt ngân sách tăng cao trên khắp châu Âu.

Không chỉ kinh tế, cuộc khủng hoảng này còn tác động nhiều đến lĩnh vực chính trị. Các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn dịch bệnh không có lợi cho hoạt động dân chủ thông thường. Tại Đức, đảng của Thủ tướng Angela Merkel dự kiến tại đại hội đảng sẽ bầu lãnh đạo mới vào ngày 25/4, nhưng điều này đã bị hoãn vô thời hạn.

Trong khi đó nước Pháp, dù gây tranh cãi, vẫn tiến hành cuộc bầu cử cấp thành phố trên toàn quốc vào ngày 15/3. Vương quốc Anh đã hoãn cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5/2020 sang năm 2021. Cuộc bầu cử quốc hội tại Bắc Macedonia dự kiến vào ngày 12/4 và tại Serbia vào ngày 26/4, nhưng có thể bị hủy bỏ, tương tự là một loạt các cuộc bầu cử tại Trung và Đông Âu trong những tháng tiếp theo.

Nhiều nghị sỹ trên toàn khu vực đã phải tự cách ly và nếu dịch bệnh lan rộng trong các cơ quan làm luật, các phiên họp Quốc hội có thể buộc phải trì hoãn và việc hoạch định chính sách bị đình trệ. Rộng hơn, đại dịch có thể dẫn đến sự thay đổi những ưu tiên chính trị ở châu Âu.

Khi mọi người trở nên ác cảm hơn, những chính trị gia thể hiện mình là “nước đôi an toàn” sẽ được hưởng lợi. Năng lực chính trị và tổ chức sẽ trở nên hấp dẫn hơn, và các chính quyền được cho là đã xử lý không tốt cuộc khủng hoảng này sẽ chịu áp lực.

Không ai có thể biết cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài bao lâu và bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng hiện trong giai đoạn này, tác động kinh tế đã là rất lớn. Các biện pháp càng mất nhiều thời gian để hạn chế virus và càng nghiêm khắc, thì tác động của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu càng lớn.

Ngoài việc đối phó với cuộc khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải suy nghĩ về các biện pháp lâu dài sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Biện pháp nào sẽ cần thiết để khởi động lại nền kinh tế? Đây không chỉ là một câu hỏi dành riêng cho EU mà còn cho cả nền kinh tế toàn cầu, khi các khu vực khác nhau trên thế giới có thể đang trong các giai đoạn khác nhau của cuộc chiến chống virus.

Đại dịch có thể khiến nhiều người suy nghĩ lại về các mối quan hệ kinh tế đầy rủi ro và mô hình sản xuất trên toàn cầu. Liệu các công ty có quyết định tăng số cổ phiếu để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai nhằm đối phó với những gián đoạn trong chuỗi cung ứng hay không? Liệu họ có thu hẹp các chuỗi cung ứng để tránh bị tổn thương trước các cú sốc như vậy hay không? Và hoạt động du lịch quốc tế sẽ thay đổi ra sao? Một cuộc khủng hoảng như vậy cũng là một cơ hội để xem xét lại các mô hình kinh doanh, và có lẽ cân nhắc cả đến mối đe dọa đối với khí hậu, để đánh giá lại sự lưu động hàng hóa và công dân trên khắp thế giới.

EU có vai trò rõ ràng trong việc thể hiện sức mạnh hợp tác với người dân. Điều quan trọng là các thể chế của EU phải cung cấp hỗ trợ trong ngắn hạn và phối hợp phản ứng giữa các nước. EU cũng cần tăng cường hỗ trợ cho việc phát triển thuốc và vaccine, những hàng hóa công cộng thực sự, khi các khích lệ đối với các công ty dược phẩm tư nhân có thể không đủ.

Hải Hà (tổng hợp)
.
.
.