Khủng hoảng ngoại giao giữa Nga với Mỹ và phương Tây
- Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga – Mỹ
- Hai “ông lớn” Nga – Mỹ: Ăn miếng trả miếng
- Những yếu tố khiến quan hệ Nga – Mỹ “xuống dốc”
Hành động của Mỹ cùng phương Tây
Tính đến chiều 27-3, ít nhất 23 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Australia và 20 nước châu Âu ra thông báo về việc trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga. Australia là quốc gia đưa ra tuyên bố sau cùng với việc trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga.
Trước đó, vào sáng 27-3, CH Czech và Ba Lan cũng đã quyết định trục xuất tổng cộng 7 nhà ngoại giao của Nga. Latvia thông báo trục xuất 1 nhà ngoại giao Nga, Lithuania là 3 nhà ngoại giao Nga và cấm 33 cá nhân Nga vào nước này. Pháp, Đức tuyên bố mỗi nước trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga còn Ukraine thì trục xuất 13 nhà ngoại giao Nga...
Một chiếc xe rời khỏi Đại sứ quán Nga tại Washington. Ảnh: Getty |
Hãng BBC đưa tin, trong số 23 quốc gia nói trên, có 16/28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) với quyết định trục xuất tổng cộng hơn 110 nhà ngoại giao Nga. 5 nước không thuộc EU đã đưa ra quyết định tương tự gồm Ukraine, Canada, Albania, Australia, Na Uy, Macedonia. Riêng Mỹ quyết định trục xuất tận 60 nhà ngoại giao Nga đồng thời đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại Seattle.
Tin từ đài CNN cho hay, trong số 60 nhà ngoại giao Nga nói trên có 12 nhà ngoại giao làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York và 48 nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Washington. Mỹ yêu cầu tất cả những người này cùng gia đình phải rời khỏi nước Mỹ trong vòng 7 ngày.
Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Raj Shah đổ lỗi cho Nga trong việc này và nói "vì hành động của Moscow với Anh nên Washington mới dùng biện pháp cứng rắn". Thậm chí, Raj Sah còn nhấn mạnh việc hai nước có thể cải thiện quan hệ được hay không tùy thuộc vào Nga.
Theo các nhà phân tích, dù có dùng lời lẽ nào đi nữa thì tựu trung lại, các quốc gia nói trên trục xuất nhà ngoại giao Nga đều vì một lý do là "thể hiện tình đoàn kết" với chính quyền London sau vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Salisbury, miền Nam nước Anh.
Điều này đã được Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders giải thích rõ trong cuộc họp báo hôm 26-3: "Mỹ thực hiện hành động này cùng các đồng minh của NATO khác cũng như đồng minh trên toàn thế giới để phản đối việc Nga sử dụng chất độc hóa học trên đất của Anh, một sự việc mới nhất tiếp nối các hành động gây bất ổn trên thế giới".
Trước đó, Anh cũng đột nhiên yêu cầu 23 nhà ngoại giao Nga về nước vì cho rằng họ có liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal. Đồng thời, Thủ tướng Anh Theresa May còn liên tục cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ đầu độc và kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh tại Brussel (Bỉ) hồi cuối tuần trước, ủng hộ các hành động của Anh. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Áo và Hy Lạp là từ chối tham gia "cuộc đối đầu này".
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26-3 cho biết, nước này sẽ không tiến hành bất cứ hành động nào để chống Nga bởi mối quan hệ Ankara-Moscow đang diễn ra tốt đẹp và hai nước đang hợp tác chặt chẽ để chấm dứt cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga trên vùng trời Syria.
Người phát ngôn chính phủ Áo Peter Launsky-Tieffenthal nói: "Áo sẽ không có bất kỳ biện pháp nào ở cấp quốc gia, sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao. Lý do cho quyết định này là vì chúng tôi muốn duy trì mở cửa các kênh đối thoại với Nga. Áo là một nước trung lập và là một cầu nối giữa Đông và Tây Âu".
Một số nước và chính trị gia châu Âu khác cũng đang thận trọng trong vấn đề này. Còn Hy Lạp, quốc gia vốn có truyền thống ngoại giao ấm áp với Nga thì cảnh báo rằng "kết hợp những cáo buộc chưa đầy đủ chứng cứ với các biện pháp trục xuất" mà Mỹ cùng phương Tây đang áp dụng với Nga sẽ làm suy yếu đối thoại giữa hai bên và dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Và tuyên bố của Nga
Hãng tin Reuters ngày 27-3 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay, Moscow sẽ đáp trả mạnh mẽ trước việc Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và các hành động tương tự của những quốc gia khác. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì nói, Nga lấy làm tiếc về quyết định của các chính phủ phương Tây và phê phán các chính phủ phương Tây mù quáng, sai lầm khi theo chân Anh đối đầu với Moscow.
Ông Dmitry Peskov khẳng định, phản ứng của Moscow sẽ dựa trên nguyên tắc có đi có lại và Tổng thống Vladimir Putin là người đưa ra quyết định cuối cùng về cách thức phản ứng của Nga trước những hành động trục xuất này.
“Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. Cái gọi là vụ Skripal chỉ là cái cớ. Chúng tôi đã nói rồi và cũng nhắc lại nhiều lần là Nga không liên quan và không làm gì liên quan đến vụ việc này", ông Dmitry Peskov nói.
Đồng quan điểm này, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov không những chỉ trích quyết định của Mỹ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga làm việc tại Cơ quan đại diện thường trực Nga tại LHQ là đi ngược lại với cam kết của Washington sẵn sàng hợp tác với Moscow trong các vụ mâu thuẫn ngoại giao; mà còn chỉ rõ, việc trục xuất các đại diện chính thức của Nga và đóng cửa phái bộ nước này tương đương với những hành động đối đầu mạnh mẽ.
Đại sứ Anatoly Antonov cam đoan, hành động chống Nga kiểu này của Mỹ và những cáo buộc của Anh về việc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal đều có sẵn trong một kịch bản và kế hoạch từ trước, chỉ đợi đến khi có cơ hội thích hợp để thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Duma Quốc gia Nga Alexei Chepa thì bày tỏ quan điểm, Moscow không cho phép mình "bị bắt nạt" và phải đáp trả mạnh hơn bằng việc trục xuất các nhà ngoại giao của các nước này.
Tuy vậy, để tránh nguy cơ đối đầu, giới chức và các nhà ngoại giao Nga vẫn nhấn mạnh, Nga sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán ổn định chiến lược với Mỹ, Anh và giải quyết mâu thuẫn với các quốc gia khác trên tinh thần hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.