Không xe buýt, không tàu điện: Người dân Pháp khổ sở vì đình công

Thứ Tư, 18/12/2019, 14:54
Cuộc tổng đình công của người dân Pháp phản đối đề xuất cải cách hưu trí của chính phủ nước này đã kéo theo những hệ lụy nhãn tiền: các chuyến bay bị hủy, tàu điện không hoạt động, và tới cả tháp Eiffel cũng phải đóng cửa. 

Euro News ngày 18-12 đưa tin, các tổ chức Công đoàn và nghiệp đoàn trên toàn nước Pháp đã lên tiếng cảnh báo rằng sẽ không có "kỳ Giáng sinh đình chiến" trong bối cảnh các cuộc biểu tình, vốn diễn ra từ hôm 5-12 tại nước này, chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Tổng liên đoàn Lao động Pháp (CGT) viết trong một tuyên bố kêu gọi công nhân đình công nêu rõ: "Chúng tôi có một trong những hệ thống lương hưu tốt trên thế giới, nếu không muốn nói là tốt nhất. Tuy nhiên, Tổng thống đã quyết định, bằng ý thức hệ thuần túy, để phá hủy nó".

Pháo sáng xuất hiện trong các cuộc đình công tại Paris. Ảnh: AP
Người dân đình công, xuống đường phản đối chính sách của ông Macron. Ảnh: AP

Điện đã bị cắt tại hơn 100.000 hộ dân. Một loạt văn phòng, trường học trên cả nước bị đóng cửa, đường bị chặn và giao thông công cộng tê liệt trong ngày 17-12 khi các cuộc biểu tình được diễn ra trên toàn nước Pháp.

Pháo sáng và những lá cờ công đoàn tràn ngập đường phố Pháp vào ngày thứ 13 của các cuộc biểu tình, vốn được thực hiện nhằm phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu nước này lên 64 và giảm đãi ngộ hưu trí với một số ngành nghề.

Trong khi đó, hơn 20% chuyến bay tại thủ đô Paris tiếp tục bị hủy. Khoảng 25% số lượt tàu điện ngầm bị trì hoãn vì không đủ số lượng lái tàu và nhân viên kiểm soát. Nhiều tuyến tàu điện bị đóng cửa hoặc chỉ hoạt động một phần. 

Nhiều công chức nhà nước đã buộc phải lựa chọn xe máy, thậm chí là xe đạp để đến chỗ làm, theo 9 News, trong bối cảnh không biết khi nào tình hình giao thông công cộng trong nước mới hoạt động bình thường trở lại.

Các cuộc đình công đã mang đến những hệ lụy nhãn tiền, khi nhiều người dân không thể đi làm do giao thông bị trì hoãn. Ảnh: AP
Dòng người chán nản chờ đợi những chuyến tàu liên tục bị hoãn và hủy. Ảnh: AP
Một người biểu tình đeo mặt nạ Tổng thống Macron. Ảnh: AP

Tháp Eiffel, biểu tượng kiêu hãnh của nước Pháp, buộc phải đóng cửa trong ngày 17-12 do không có đủ nhân viên. Số lượng du khách đến Pháp cũng giảm đột biến do những bất tiện về di chuyển và dịch vụ công. Trước đó vào sáng 16-12, thủ đô Paris của Pháp đã rơi vào tình trạng tắc đường dài 630km do nhân viên ngành giao thông đình công phản đối chính sách lương hưu của chính phủ. 

"Sự giận dữ" của người dân Pháp được truyền thông thế giới nhận định là đã "lên đến đỉnh điểm" và "chưa có dấu hiệu dừng lại", mặc cho chính phủ Pháp đã có một vài dấu hiệu nhượng bộ.  Cuộc tổng đình công lần này tại nước Pháp thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân ở mọi tầng lớp, từ những người lái tàu, cho đến những luật sư, những nhân viên dịch vụ công và giáo viên các cấp. 

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định sẽ có một cuộc đàm phán với nghiệp đoàn trong ngày 18-12, dù chưa có bất cứ kế hoạch nào cụ thể.  Trong khi đó, chính phủ Pháp vẫn bảo lưu quan điểm rằng những điều chỉnh về chế độ hưu trí sẽ tạo nên một hệ thống hưu trí công bằng hơn và giúp xóa bỏ mức thâm hụt quỹ lương hưu, dự đoán sẽ lên tới 19 tỷ USD vào năm 2025.

An Nhiên
.
.
.