Kế hoạch hòa bình Trung Đông tiếp tục vấp phải sự phản đối

Chủ Nhật, 09/02/2020, 07:53
Không chỉ các nước trong khu vực, châu Âu, mà tới giờ, ngay cả các quan chức Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch hòa bình mới của Mỹ cho khu vực Trung Đông mang tên “Từ hòa bình đến thịnh vượng: Tầm nhìn nhằm cải thiện cuộc sống của nhân dân Israel và Palestine”.


Phản ứng từ cộng đồng quốc tế

Hôm 7-2 (giờ địa phương), hơn 100 Hạ nghị sĩ Dân chủ đã cùng ký tên gửi thư tới người đứng đầu Nhà Trắng để phản đối “Kế hoạch hòa bình Trung Đông”, cho rằng, kế hoạch này sẽ làm tổn thương tới người dân của cả Israel và Palestine và gia tăng xung đột giữa hai bên. 

Trong bức thư, các Hạ nghị sĩ cảnh báo kế hoạch trên sẽ mở đường cho việc chiếm đóng vĩnh viễn khu Bờ Tây. Các Hạ nghị sỹ Dân chủ bày tỏ sự phản đối kế hoạch này và kêu gọi chính phủ Israel không nên coi đây là giấy phép để vi phạm luật pháp quốc tế với việc sáp nhập toàn bộ hoặc các khu vực ở Bờ Tây vào lãnh thổ nước này. 

Các nhà lập pháp Dân chủ Mỹ đã cáo buộc Tổng thống Donald Trump can thiệp một cách không phù hợp vào bầu cử nước ngoài khi công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tháng trước. 

Quang cảnh khu định cư Revava của Israel ở Bờ Tây.

Kế hoạch này được cho là nhằm ủng hộ ông Benjamin Netanyahu trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử ở Israel sẽ diễn ra vào ngày 2-3 và ông Benjamin Netanyahu bị buộc tội nhận hối lộ, lừa đảo và lạm dụng lòng tin. 

Trong khi đó, Văn phòng của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ra tuyên bố nêu rõ “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump “vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến quyền tự quyết, việc chiếm đất bằng vũ lực, và sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”. 

Trong tuyên bố, cựu Tổng thống Jimmy Carter khẳng định: “Kế hoạch mới của Mỹ phá tan mọi hy vọng về một nền hòa bình giữa Israel và người Palestine. Nếu được thực thi, kế hoạch trên sẽ phá hỏng giải pháp duy nhất khả thi cho cuộc xung đột dai dẳng này - giải pháp hai nhà nước”. 

Ông kêu gọi các thành viên Liên hợp quốc (LHQ) “ủng hộ các giải pháp của Hội đồng Bảo an LHQ và bác bỏ mọi hành động đơn phương của Israel về việc thực hiện ý tưởng cướp thêm đất của người Palestine”.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-2 đã bác bỏ nhiều phần bản kế hoạch hòa bình, khẳng định rằng văn bản này vi phạm “các giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí”, và việc Israel sáp nhập đất đai của người Palestine sẽ vấp phải sự phản đối. 

Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết: “Để xây dựng một nền hòa bình đúng đắn và vĩnh cửu, các vấn đề quy chế cuối cùng còn tồn đọng phải được quyết định thông qua các cuộc đàm phán giữa hai bên”. Các vấn đề đó gồm biên giới của một nhà nước Palestine và quy chế cuối cùng của thành phố Jerusalem. 

Quan chức EU đồng thời nhấn mạnh: “Sáng kiến của Mỹ vi phạm các giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí”. Ông cũng nói thêm rằng các bước sáp nhập lãnh thổ của Palestine nếu được Israel thực thi “có thể gây phản ứng”.

Có phản ứng tương tự, Liên đoàn Arab (AL) mô tả kế hoạch trên là “không công bằng” khi cho rằng, Mỹ buộc người Palestine phải đưa ra những nhượng bộ lớn không phù hợp với yêu cầu của mình đối với phía Israel. 

AL nêu rõ: “Điều này không công bằng và bản kế hoạch này sẽ không mang đến hòa bình lâu dài. Cốt lõi của vấn đề là thiếu hòa giải khả thi giữa hai bên, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng. Đây là vấn đề chính đang cản trở các cuộc đàm phán hiện tại”.

Nhiều tổ chức quốc tế khác như: Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và  quốc gia như Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Algeria… cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Bản đồ lãnh thổ Trung Đông liệu có thay đổi?

Giới phân tích chính trị nhận định rằng, với việc công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông”, Tổng thống Donald Trump đã làm thay đổi các cuộc thảo luận về cuộc xung đột Israel-Palestine, ít nhất là tại chính trường Mỹ và Israel. 

Tương tự, người đứng đầu Nhà Trắng đã xóa đi phương châm “đổi đất lấy hòa bình” vốn gắn liền với chính sách của Mỹ liên quan đến cuộc xung đột này kể từ Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967. 

Hậu quả trực tiếp sau cuộc chiến này là các quan chức Israel coi vùng lãnh thổ đã chiếm được trong cuộc chiến là một ưu thế trao đổi trong đàm phán hòa bình với người Arab. 

Theo thỏa thuận hòa bình Israel-Ai Cập năm 1979, Israel rút khỏi sa mạc Sinai và sơ tán 12 khu định cư. 

Sau đó, Hiệp ước Oslo năm 1993 và tiến trình Annapolis năm 2008 đã yêu cầu Israel phải rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Bờ Tây để đổi lấy hòa bình và biên giới rút quân sẽ được người Israel và Palestine xác định trong đàm phán. 

Trong 53 năm qua, LHQ cho rằng, bất cứ giải pháp nào đối với cuộc xung đột sẽ được dựa trên đường biên giới trước năm 1967 và theo tiến trình Annapolis. 

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Tổng thống Donald đang vận động tái tranh cử thì kế hoạch hòa bình lại được dựa trên lộ trình 4 năm mới hoàn thành. Và, người đứng đầu Nhà Trắng công bố bản kế hoạch mà không có sự tham gia của người Palestine và tại một thời điểm ít tiềm năng nhất, khi mà ông chỉ còn chưa đầy 1 năm là hết nhiệm kỳ đầu tiên. Nếu không tái đắc cử, ông không thể hoàn thành nó.

“Kế hoạch hòa bình Trung Đông” được xây dựng theo cách chủ quyền của Israel đối với các khu định cư là một trong những vấn đề cụ thể có thể được triển khai trong vòng 9 tháng tới, với sự đồng ý từ Nhà Trắng. 

Chủ quyền không phải là một vấn đề có thể triển khai dưới quyền của bất cứ tổng thống nào. Nếu Israel triển khai, Mỹ có thể ngăn chặn bất cứ hành động nào của Hội đồng Bảo an LHQ chống lại Nhà nước Do Thái, bởi Mỹ có quyền phủ quyết. 

Tuy nhiên, nếu chờ quá lâu và ông Donald Trump không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, cơ hội áp đặt chủ quyền với sự ủng hộ của Mỹ sẽ mất đi. Người đứng đầu Nhà Trắng có thể sẽ phải lựa chọn giữa các nước Arab và cử tri Thiên chúa giáo tại Mỹ. 

Tương tự, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng có thể phải lựa chọn giữa phe cánh hữu của mình và ông Donald Trump. Để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền, trong 4 năm tới, Israel sẽ phải tự kiềm chế không xây dựng các khu định cư mới hay mở rộng các khu hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)

.
.