IS chỉ thoái trào chứ không biến mất

Thứ Sáu, 27/10/2017, 10:55
Ngày 26-10, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết các lực lượng Iraq đã tấn công các thị trấn Rawa và al-Qaim thuộc tỉnh Anbar, phía Tây nước này, gần biên giới Syria. Đây được coi là các thành trì cuối cùng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Iraq. 

Trong khi đó, tại Syria, Quân đội Arab của Syria (SAA) đang tiến tới gần khu vực nông thôn của tỉnh Deir ez-Zor ở phía Đông trong cuộc chiến chống IS tại al-Bukamal - thành trì lớn cuối cùng của IS.

Theo truyền thông Iraq, chiến dịch giành lại quyền kiểm soát các thị trấn Rawa và al-Qaim được tiến hành từ 3 phía. Cả liên quân quốc tế và các bộ lạc người Hồi giáo theo dòng Sunni đều hỗ trợ các lực lượng tham gia chiến dịch. Hồi tháng 7, các lực lượng Iraq, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã giành lại quyền kiểm soát Mosul - thành phố lớn thứ hai của nước này. 

Sự sụp đổ của Mosul đã đặt dấu chấm hết cho cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” tự phong mà IS tuyên bố thành lập trên các vùng lãnh thổ của Iraq và Syria hồi năm 2014. 

Tiếp nối thành công, các lực lượng Iraq tiếp tục giành lại quyền kiểm soát khu vực phía Bắc thành phố Tal Afar và phần còn lại của tỉnh Nineveh, một trong những thành trì cuối cùng của IS ở miền Bắc Iraq, sau chiến dịch kéo dài gần 2 tuần qua. Thắng lợi của các lực lượng Iraq là “cú đòn” giáng mạnh vào tàn quân IS tại đất nước này. 

Còn tại Syria, SAA hiện đang chiến đấu nhằm tái chiếm mỏ dầu T2 khỏi IS để tiến tới Bukamal. Trước đó vài ngày, SAA đã đẩy IS ra khỏi thành phố al-Mayadeen thuộc tỉnh Homs. Đây là tổn thất mới nhất trong hàng loạt thất bại của IS tại Syria trong tháng này sau khi các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn ngày 20-10 chính thức tuyên bố giải phóng thành phố Raqqa, thủ phủ tự xưng của IS ở miền Bắc Syria trong hơn 3 năm qua. 

Thành phố Marawi hoang tàn sau chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng. Ảnh: Reuters.

Tại châu Á, Philippines hôm 23-10 thông báo kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng, giải phóng thành phố Marawi ở phía Nam khỏi phiến quân Maute trung thành với IS. Tất cả những chiến thắng trên là đòn giáng mạnh vào IS.

Tuy nhiên, giới chuyên gia chống khủng bố cảnh báo IS chỉ thoái trào chứ không biến mất, và ảnh hưởng từ những thất bại này có thể sẽ dẫn đến những hình thức khủng bố bạo lực mới và xảo quyệt hơn mà các lực lượng an ninh của các nước sẽ phải đương đầu. 

Những thất bại của IS kéo theo nguy cơ làn sóng khủng bố mới do sự trở về của những người từng gia nhập hoặc trung thành với lực lượng này. Đây là thách thức lớn với toàn cầu chứ không riêng châu Âu. 

Theo thống kê, từ năm 2011 - 2016, đã có từ 27.000-31.000 tay súng nước ngoài, đến từ 86 quốc gia trên thế giới đã tới Syria và Iraq để chiến đấu bên cạnh IS. Trong số này khoảng 6.000 tay súng đến từ châu Âu, chủ yếu từ Đức, Pháp và Anh. 

Trung tâm Soufan, một tổ chức phân tích an ninh phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, cảnh báo, những đối tượng này đang đặt toàn cầu và châu Âu trước nguy cơ khủng bố mới. 

Chuyên gia Richard Barrett, cố vấn cấp cao của Trung tâm Soufan đánh giá, việc xác định và phân loại các đối tượng trở về từ vùng lãnh thổ của IS, có biện pháp xử lý đối với họ là một vấn đề lớn đối với các quốc gia châu Âu. 

Hầu hết những người này đều có nguy cơ gặp vấn đề trong giao tiếp với những người xung quanh khi trở về. Điều đó khiến họ đặc biệt trở thành các đối tượng dễ bị các tổ chức cực đoan lôi kéo, quay trở lại hoạt động khủng bố. Ông Barrett cho rằng, các quốc gia cần có cơ chế hỗ trợ cũng như liệu pháp tâm lý đối với nhóm là trẻ em.

Còn tại châu Á, Giám đốc Viện Phân tích chính sách xung đột tại Jakarta, bà Sidney Jones cho rằng: “Diễn biến của hoạt động IS sẽ thay đổi, do cuộc chiến đang dần kết thúc”. 

Bà Sidney Jones cảnh báo về “các vụ đánh bom đáp trả” ở những khu đô thị lớn ở Philippines, trong đó có thủ đô Manila, và các thành phố Davao, Zamboanga và tỉnh Cotabato trên đảo Mindanao. 

Theo bà Jones, các đại sứ quán Philippines cũng có thể trở thành mục tiêu. Không chỉ có Philippines, các nước khác trong khu vực cũng có thể gặp rủi ro. Các nhóm khủng bố “nằm vùng” có thể lên kế hoạch tấn công liều chết nhằm vào dân thường trên khắp Đông Nam Á. 

Để đối phó với các mối đe dọa này, các quan chức an ninh trong khu vực đã siết chặt biên giới quốc gia của họ nhằm ngăn chặn các phiến quân hồi hương từ Syria và Iraq, và những kẻ di chuyển giữa 2 đảo Mindanao của Philippines và Sabah của Malaysia. Các quan chức này gần đây cũng nhất trí tăng cường các cuộc tuần tra chung trên không.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.