Hội thảo “Xung đột tại Biển Đông” ở Mỹ
Hội thảo đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các học giả hàng đầu về vấn đề Biển Đông đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín có trụ sở tại Mỹ và các nước như Pháp, Đức, Australia, Anh, Canada...
Hội thảo chia làm ba phiên, thảo luận về các vấn đề như lịch sử các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông, Biển Đông và vị trí địa chính trị, vai trò của luật pháp trong giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông.
Khẳng định việc các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông chỉ mới xuất hiện từ sau năm 1933, nhiều học giả đã viện dẫn nhiều tài liệu và bản đồ cổ, bao gồm cả của Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực và của những người phương Tây khi đi qua vùng biển này, chứng minh điều ngược lại đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Cũng tại hội thảo, các học giả cảnh báo Trung Quốc đã xây dựng lực lượng quân sự có đủ sức mạnh chi phối, kiểm soát được chuỗi đảo thứ nhất tại Biển Đông, đối đầu với chính sách tái cân bằng hướng tới châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đồng thời, các học giả còn lưu ý đến một xu hướng mới đáng ngại, đó là Trung Quốc đang tăng cường sử dụng đội tàu cá kết hợp tàu thương mại và các tàu của lực lượng thực thi pháp luật làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.
Trong khi đó, tại cuộc họp ở cố đô Luang Prabang (Lào), quan chức cao cấp (SOM) của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN+3 (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) đã bày tỏ lo ngại về vấn đề Biển Đông. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung làm trưởng đoàn đã tham dự các cuộc họp.