Philippines kiện Trung Quốc làm ‘nóng’ hội thảo về Biển Đông

Thứ Tư, 22/07/2015, 14:16
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 21/7 đã tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ 5 về Biển Đông, diễn đàn để giới học giả trao đổi về những diễn biến mới nhất và phân tích các lựa chọn chính sách tại vùng biển này.

Tham dự cuộc hội thảo bên phía Việt Nam có hai học giả là Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam và bà Phạm Lan Dung tới từ Học viện Ngoại giao.

Các diễn giả trong phiên thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông tại hội thảo ở CSIS.

Hai vấn đề “nóng” tại cuộc hội thảo lần này là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc (LHQ) và việc Trung Quốc thời gian qua tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.

Về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và đường băng ở Biển Đông, một số học giả cáo buộc Bắc Kinh đang thay đổi nguyên trạng tại vùng biển này. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết Trung Quốc đang tiến hành hoạt động này với tốc độ nhanh chưa từng có.

Cố vấn cấp cao về châu Á của CSIS Bonnie Glaser nhận định việc Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo là nhằm tăng cường sự hiện diện và thực thi quyền kiểm soát trên biển ở Biển Đông. Bà cũng không loại trừ mục đích quân sự của các hoạt động này.

Về vụ kiện của Philippines, một số học giả cho rằng, nếu PCA thụ lý và ra phán quyết có lợi cho Manila, đó sẽ là một sự khích lệ cho khả năng giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, các học giả cũng đề cập tới vấn đề phán quyết của tòa án tuy mang tính ràng buộc pháp lý, song lại không có cơ chế thực thi, do đó sẽ không ảnh hưởng nhiều tới cách hành xử của Bắc Kinh.

Trợ lý Ngoại trưởng Russel nhắc lại quan điểm Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, song khẳng định các tranh cãi phải được giải quyết bằng giải pháp ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế và Mỹ phản đối mọi hành động hăm dọa hay cưỡng ép.

Cuộc hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia học giả quốc tế tới từ Trung Quốc, Philippines, Mỹ và một số quốc gia trong khu vực.

Các quan chức Mỹ tham dự cuộc hội thảo với hai bài phát biểu đáng chú ý của Hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban các lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện, và của Trợ lý Ngoại trưởng Russel.

Khổng Hà
.
.
.