Nguyên nhân nào khiến Nga vượt Mỹ trong điều chế vaccine COVID-19?
- Chống COVID-19 là cuộc chiến không của riêng ai
- Vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới: Hi vọng và hoài nghi
- Nga bác mọi cáo buộc vaccine ngừa COVID-19 không an toàn
- Nga có vội vã khi cấp phép vaccine Sputnik V ngừa COVID-19?
Sau thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8 thông báo Nga đã phê duyệt vaccine Sputnik V ngừa COVID-19, một loạt ý kiến từ các quốc gia phương Tây và truyền thông đã dấy lên lo ngại về việc Nga có thể đã quá vội vã khi chưa đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả thực tế của mẫu vaccine.
Vaccine COVID-19 do Nga sản xuất. Ảnh: ANA |
Tuy nhiên, mọi thông tin cho rằng vaccine Nga thiếu an toàn đã được Bộ Y tế Nga ngày 12/8 bác bỏ. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định các phát biểu phê phán kịch liệt nhằm vào mẫu vaccine Sputnik V của Nga "hoàn toàn vô căn cứ và xuất phát từ động cơ cạnh tranh".
Bryan MacDonald, chuyên gia Đông Âu và Nga, bình luận với Sputnik rằng, việc sở hữu hệ thống nghiên cứu do nhà nước tài trợ tại Nga là lí do Nga "đi sau, nhưng lại về trước" trong nỗ lực phát triển vaccine COVID-19, không giống như phương Tây, nơi "hầu hết các công trình nghiên cứu, dù là y tế hay quân sự, đều do khối tư nhân thực hiện".
Chuyên gia Bryan MacDonald thông tin thêm, hệ thống nghiên cứu nhà nước là một di sản thời Liên Xô. Trên thực tế, dù Nga có dân số và GDP thấp hơn Mỹ nhưng vẫn bỏ xa Washington trong một số do nó được Moscow bảo trợ.
Về Sputnik V, MacDonald nhấn mạnh Nga, trên thực tế, đã chuẩn bị cho vaccine từ 20 năm qua.
"Khi dịch SARS bùng phát 20 năm trước, Nga cũng phát triển vaccine giống như Mỹ và Anh. Khi virus (SARS) tự biến mất, các công ty phương Tây dừng lại vì chẳng còn mục đích và cũng không có động lực về lợi nhuận khi không ai cần vaccine nữa. Nga thì có thể đã tiếp tục công việc với SARS", MacDonald nhận định.
Bằng lập luận này, chuyên gia người Mỹ kết luận Nga cho ra đời vaccine sớm vì họ đã nghiên cứu các virus tương tự trong nhiều năm. Khi COVID-19 xuất hiện, họ đã sẵn nền tảng công nghệ và việc điều chế đã diễn ra nhanh chóng.
Trên thực tế, Sputnik ngày 12/8 dẫn lời các chuyên gia Nga nói rằng Sputnik V được điều chế dựa trên adenovirus, một loại virus gây cảm cúm vô hại. Nó được chế tạo bằng công nghệ vector, tức sử dụng virus vô hại làm "bệ phóng" đưa một đoạn cấu trúc protein tương tự cấu trúc protein của SARS-CoV-2 vào cơ thể, kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể người được tiêm.
Vaccine dựa trên vector không phải khái niệm quá mới. Nó từng được sử dụng để điều chế vaccine phòng Ebola. Aleksandr Ginsburg, Giám đốc Viện nghiên cứu Gameleya điều chế ra vaccine Sputnik V, cho hay họ đã theo dõi khả năng miễn dịch được phát triển cho vaccine Ebola để ứng dụng vào vaccine COVID-19.
Ginsburg cũng tiết lộ Nga đã làm chủ công nghệ vaccine này từ cách đây 25 năm. Sputnik V là mẫu vaccine thứ ba được điều chế bằng công nghệ vector. Hai mẫu đầu tiên là vaccine ngừa Ebola đã hoàn tất năm 2014 và được theo dõi đến năm 2019; và vaccine ngừa MERS hoàn thành khi COVID-19 xuất hiện.
Dù được đăng kí chính thức, song Sputnik V của Nga vẫn chưa hoàn tất toàn bộ quá trình thử nghiệm và nó cũng chưa đi vào sản xuất hàng loạt ngay mà phải chờ đến tháng 9, trong khi việc tiêm chủng sẽ diễn ra giai đoạn đầu với các nhân viên y tế, giáo viên Nga, còn dân chúng sẽ chỉ tiếp cận chúng vào năm 2021.
Đại diện Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tài trợ cho hoạt động thử nghiệm, cũng đã lên tiếng thông báo, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 với sự tham dự của hàng ngàn người với mẫu vaccine được tiến hành từ ngày 12/8 ở một số quốc gia. Nếu không chứng minh được hiệu quả, Sputnik V sẽ không thể trụ lại.
Trong một bài đăng trên Sputnik ngày 11/8, Giám đốc RDIF Dmitriyev kêu gọi các chính trị gia và truyền thông phương Tây dừng những tuyên bố nhằm phá hoại niềm tin vào vaccine do Nga sản xuất. "Hãy ngừng khai hỏa đòn chính trị vào vaccine khi mà các nước đều đang đương đầu với đại dịch COVID-19", Dmitriyev nói.
Từ khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc cách đây hơn 7 tháng, COVID-19 đã cướp đi trên 747.000 sinh mạng trong tổng số gần 21 triệu ca nhiễm trên thế giới. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất toàn cầu với gần 5,4 triệu người bệnh, 169.000 người tử vong.