Hàn Quốc - Nhật Bản thỏa thuận lịch sử về 'phụ nữ mua vui'

Thứ Tư, 30/12/2015, 07:58
70 năm sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Hàn Quốc và Nhật Bản một lần nữa lại xóa bớt đau thương và hận thù bằng thỏa thuận lịch sử giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục của binh sĩ Nhật Bản.


Cùng với lời xin lỗi chính thức, chính quyền Tokyo cũng cam kết bồi thường 8,3 triệu USD cho những phụ nữ từng là nạn nhân của trò mua vui tình dục.

Tin vui về thỏa thuận mới đạt được giữa Hàn Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề “phụ nữ mua vui” đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận này và bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận sẽ góp phần vào việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, LHQ đánh giá cao vai trò lãnh đạo và tầm nhìn của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong vấn đề này. Mỹ cũng đồng quan điểm với LHQ và ủng hộ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận trong thời gian sớm nhất. 

Hiện chỉ còn 46 phụ nữ Hàn Quốc từng làm nô lệ tình dục thời Chiến tranh thế giới thứ 2 là còn sống với độ tuổi trung bình gần 90. (Ảnh: AP)

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Susan Rice nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng, giải pháp toàn diện này là một động thái quan trọng của việc hàn gắn và hòa giải vốn được cộng đồng quốc tế hoan nghênh”. Trung Quốc cũng bày tỏ niềm vui trước thỏa thuận này và cho rằng hai quốc gia láng giềng ở Đông Bắc Á đang dần xóa nhòa được những căng thẳng ngoại giao và bất đồng. Cơ quan phụ trách về đối ngoại của Đài Loan (Trung Quốc) thì kêu gọi chính phủ Nhật Bản khởi động đàm phán về vấn đề “phụ nữ mua vui” ở vùng lãnh thổ này… 

Trong khi đó, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, lãnh đạo hai quốc gia cũng gọi thỏa thuận là “báo hiệu một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước”. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc thì đưa tin, thỏa thuận đạt được sau cuộc hội đàm tại Thủ đô Seoul giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. 

Tại đây, ông Fumio Kishida thừa nhận, Chính phủ Nhật Bản cảm thấy có trách nhiệm đối với vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho binh lính Nhật Bản thời chiến tranh. Vì thế, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ gửi thư cho các phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục thời chiến để bày tỏ “lời xin lỗi chân thành và sâu sắc”. 

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ đóng góp 1 tỷ yên (tương đương 8,3 triệu USD) vào quỹ được lập để hỗ trợ các nạn nhân. Đổi lại, Hàn Quốc cũng phải cam kết không bao giờ nêu lại vấn đề này nữa và di dời bức tượng một cô gái biểu tượng cho vấn đề “phụ nữ mua vui” khỏi vị trí trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Thủ đô Seoul. 

Cũng theo hãng Yonhap, trước khi Ngoại trưởng hai nước có cuộc gặp chính thức, nhiều quan chức của hai nước đã có các cuộc họp nhóm tới 12 lần để tìm kiếm giải pháp hợp tình hợp lý nhất. Cuộc họp mới nhất kéo dài 2 tiếng đồng hồ, diễn ra vào tối 27-12, tức vài tiếng trước khi cuộc họp cấp Ngoại trưởng diễn ra đã tạo tiền đề cho việc ký kết thỏa thuận.

Các con số thống kê cho thấy, khoảng 200.000 phụ nữ đã bị bắt buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, phần đông trong số họ là người Hàn Quốc. Đến nay, những phụ nữ này đều đã cao tuổi và từ trần, chỉ còn 46 người con sống với tuổi trung bình là gần 90 tuổi. 

Hãng tin Yonhap trong một bài báo được đăng tải hồi đầu tháng về những phụ nữ này đều cho biết, họ muốn có lời xin lỗi và đã ghi nhận những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc cũng như Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề này và sẽ làm theo những gì đã được quyết định. 

Bà Kim Bok-dong, 90 tuổi, một trong số 46 nô lệ tình dục khi xưa còn sống tâm sự: “Chúng tôi sẽ không được thực sự giải thoát cho tới khi nào vấn đề này được giải quyết”. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều khác về thỏa thuận này. Có phụ nữ từng là nạn nhân của trò mua vui cho binh sĩ Nhật Bản, hiện đang sống ở Thủ đô Seoul thì cho rằng, Tokyo đã nhận ra sai lầm của mình quá lâu và đáng lẽ lời xin lỗi phải được thực hiện cách đây ít nhất 30 năm. 

Đại diện của Liên minh chính trị mới vì dân chủ (NPAD) đối lập ở Hàn Quốc thì cho rằng, xin lỗi và bồi thường chưa đủ, Nhật Bản phải chịu thêm trách nhiệm pháp lý về việc này.

Gia Nam
.
.
.