Gia tăng căng thẳng vùng biên giới Trung- Ấn
Hãng BBC của Anh ngày 21-7 cho biết, căng thẳng bùng nổ từ giữa tháng 6 sau khi New Delhi phản đối nỗ lực của Trung Quốc về việc mở rộng đường biên giới thông qua một cao nguyên được gọi là Doklam (theo Ấn Độ) hay Donglang (theo Trung Quốc). Vùng cao nguyên này nằm ở một đường giao cắt giữa Trung Quốc với bang Sikkim, thuộc Đông Bắc Ấn Độ và Bhutan. Thậm chí, giữa Trung Quốc và Bhutan hiện vẫn đang tranh chấp chủ quyền ở nơi đây và Ấn Độ lại bày tỏ sự ủng hộ với tuyên bố của Bhutan về vấn đề này.
Theo lập luận của New Delhi, nếu con đường "cổ gà" được hoàn thành, nó sẽ giúp Bắc Kinh tiếp cận được hành lang rộng hơn 20km, kết nối với 7 tiểu bang phía Đông Bắc của Ấn Độ. Mà điều này thì chính quyền New Delhi không muốn. Vì thế, Ấn Độ cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng 73 tuyến đường chiến lược gần biên giới với Trung Quốc.
Tờ Economic Times hôm 18-7 dẫn tuyên bố của Quốc vụ khanh phụ trách nội vụ của Ấn Độ Kiren Rijiiju cho biết, 1/2 trong số các tuyến đường này đã được hoàn thành và 46/73 tuyến đường được xây dựng bởi Bộ Quốc phòng. Chính phủ Ấn Độ cũng đã thành lập một ủy ban cấp cao do Bộ Nội vụ giám sát nhằm xem xét và thường xuyên theo dõi tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng dọc biên giới.
Trung Quốc và Ấn Độ có căng thẳng biên giới kéo dài nhiều năm qua. Ảnh: Getty |
Chưa hết, Ấn Độ còn sẵn sàng cả năng lực quân sự để bảo vệ điều mà họ cho là chủ quyền của nước mình. Hãng NDTV cho hay, từ đầu tháng 7 đến nay, New Delhi đã triển khai hàng ngàn binh sĩ tới khu vực Doklam/Donglang và cho dựng cả lều trại. Một đường tiếp tế trực tiếp đến địa điểm đóng quân tại Doklam/Donglang cũng đã được thiết lập. Nhiều nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này sẽ không lui quân trước những áp lực tới từ Bắc Kinh, trừ phi quân đội Trung Quốc cũng giảm căng thẳng bằng cách rút quân.
Phát biểu tại Thượng viện, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cho rằng, các lực lượng Trung Quốc mới đây cùng với máy ủi và máy xúc đã đến khu vực này và có ý định xây dựng cơ sở hạ tầng vốn sẽ làm thay đổi hiện trạng. Bà Sushma Swaraj nêu rõ: "Nếu Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực giao lộ biên giới 3 nước Trung Quốc-Ấn Độ-Bhutan thì điều này sẽ gây quan ngại về an ninh đối với New Delhi. Tuy nhiên, đến nay, Ấn Độ vẫn sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc về vấn đề này".
Đáp trả, Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm rằng họ sẽ không đàm phán với Ấn Độ cho tới khi New Delhi rút quân khỏi Doklam/Donglang. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi phát biểu trước báo giới còn thông tin rằng, lính biên phòng Ấn Độ đã vượt trái phép vào lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh đã cho tiến hành tập bắn đạn thật ở Tây Tạng, động thái được coi là "lời cảnh cáo rõ ràng" đến Ấn Độ.
Cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 11 tiếng nói trên, theo tiết lộ của báo chí Trung Quốc, được thực hiện ở Tây Tạng với kịch bản là một lữ đoàn của quân đội Trung Quốc được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại đã tấn công tổng lực vào một khu đồi cao 5.000m. Các chuyên gia quân sự nhận định, cuộc tập trận này nhằm 2 mục tiêu là răn đe đối phương đừng nghĩ tới việc gây chiến, đồng thời trấn an dân chúng trong nước về sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Bên cạnh đó, nhiều tờ báo của Trung Quốc đã nhắc lại thất bại của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 và đào bới lại các bài báo cũ hay tranh ảnh về cuộc xung đột. Thậm chí, một số tờ báo còn đi vào khía cạnh khoét sâu nghi ngờ giữa Ấn Độ-Bhutan bằng việc cho rằng New Delhi đang phá hoại chủ quyền Bhutan...
Phó Giám đốc của Chương trình châu Á thuộc Trung tâm Wilosn (Mỹ), Michael Kugelman cho biết, trong hơn nửa thế kỷ qua, mọi quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đều bị chi phối bởi vấn đề biên giới. Trung Quốc và Ấn Độ giáp nhau trên 3.550km, được phân cách bởi dãy núi Himalaya hiểm trở và vùng cao nguyên Tây Tạng. Sau khi Tây Tạng thuộc về Trung Quốc thì hai quốc gia có vùng đệm hiện nay là Nepal và Bhutan, nằm ở phía Nam dãy Himalaya.
Đến nay, khu vực này vẫn là điểm nóng trong quan hệ Trung-Ấn. Tuy nhiên, dù căng thẳng đến mấy thì cũng khó xảy ra xung đột giữa hai nước bởi điều này không hề có lợi cho quan hệ song phương nói riêng và cả khu vực nói chung, đặc biệt khi cả 2 nước đều rất quan tâm đến hợp tác kinh tế. Chính vì thế mà Bí thư thứ 2 của Văn phòng tham tán kinh tế, thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ hôm 10-7 đã tuyên bố rằng "cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có sự hợp tác lâu dài với nhau".
Còn Tổng thư ký Hội đồng kinh tế và văn hóa Ấn Độ-Trung Quốc thì nói rằng, xung đột biên giới hiện tại sẽ được giải quyết nhanh chóng và tất cả các doanh nhân Trung Quốc ở Ấn Độ đều an toàn. Nhiều người khác còn nhận định, xung đột giữa hai nước chỉ "xảy ra trên mặt báo" và rằng, đằng sau những lời tuyên bố rắn là các cuộc gặp bí mật giữa lãnh đạo hai nước nhằm giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề.
Chẳng hạn hồi tháng 6, bên lề Hội nghị thượng đỉnh tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuối tháng 7 này, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cũng có chuyến thăm Bắc Kinh trong khuôn khổ cuộc họp các nước BRICS và đây là cơ hội tuyệt với để hai nước tháo ngòi nổ căng thẳng.