EU tung gói viện trợ khủng cứu "mái nhà chung" khỏi COVID-19

Thứ Sáu, 10/04/2020, 10:00
Gói viện trợ trị giá hơn 500 tỷ Euro đã được các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) nhất trí vào tối 9/4 (giờ địa phương), sau khi Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cùng ngày cảnh báo sự tồn vong của toàn khối đang bị đe dọa vì COVID-19.

Gói viện trợ kinh tế được coi là hành động mạnh mẽ của sự đoàn kết trong EU. Ảnh: Erreguete

Theo The Guardian, gói viện trợ khẩn cấp được các Bộ trưởng tài chính trong khối nhất trí sau cuộc đàm phán trực tuyến kéo dài nhiều giờ diễn ra ngày 9/4 nhằm vực dậy nền kinh tế toàn khối, vốn đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19. 

Quyết định được France 24 nhận xét là "đột phá" này được đưa ra sau khi Hà Lan dịu giọng về Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Hà Lan từng cứng rắn đề nghị các nước cần cam kết cải cách kinh tế và có giám sát bên ngoài nếu được hỗ trợ tài chính.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoeksta đã chịu sự chỉ trích của những người đồng cấp châu Âu sau khi phát biểu rằng EU cần tìm hiểu vì sao một số nước thành viên xây dựng được quỹ đệm để đối phó khủng hoảng trong khi những nước khác thì không. 

Các nước Italia, Tây Ban Nha và Bổ Đào Nha bất bình với phát biểu này và coi đây như là dấu hiệu tình đoàn kết bị phá vỡ. Ông Hoekstra sau đó đã phải lên tiếng thừa nhận lập trường quá cứng nhắc của mình.

"Châu Âu đã quyết định và sẵn sàng đáp trả lại sức ép từ cuộc khủng hoảng", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chia sẻ sau cuộc đàm phán. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng hoan nghênh rằng quyết định được đưa ra vào đúng "ngày đoàn kết nhất của châu Âu".

Thành phần chính của "Kế hoạch viện trợ giải cứu châu Âu" liên quan tới ESM, với hạn mức tín dụng phòng ngừa lên tới 240 tỷ Euro từ Quỹ Cứu trợ châu Âu, nhằm mang lại lợi ích cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, gói viện trợ còn bao gồm một quỹ bảo lãnh cho các khoản vay doanh nghiệp từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) được huy động lên tới 200 tỷ Euro; và chương trình lao động ngắn hạn mang tên “Sure” do Ủy ban châu Âu đề xuất với trị giá 100 tỷ Euro nhằm hỗ trợ lao động thất nghiệp.

Tuy nhiên, gói viện trợ cũng bỏ ngỏ vấn đề tài chính nội khối sau khi dịch bệnh kết thúc. Các Bộ trưởng Tài chính đã đề nghị Italia, Tây Ban Nha và Pháp về một công cụ vay chung, đôi khi được gọi là "coronabond" hay trái phiếu corona, nhằm bảo đảm và chia sẻ lợi ích khi ứng phó với dịch COVID-19. 

Đề xuất về trái phiếu corona đang gây mâu thuẫn gay gắt giữa hai nhóm nước, một bên là các nước tích cực ủng hộ như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, với một bên là các nước cực lực phản đối gồm Đức, Hà Lan, Áo, Phần Lan.

An Nhiên
.
.
.