EU-Trung Quốc không đạt được thỏa thuận chung
- Kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc: Còn nhiều khác biệt
- Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc bị hoãn vì COVID-19
- EU-Trung Quốc: Khó gần mà cũng khó xa
Các lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của –EU đã có cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến trong ngày 14/9 với lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hình ảnh tại cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc hôm 14/9. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Tại Hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra những thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh, từ những vấn đề liên quan đến COVID-19, hối thúc Trung Quốc mở cửa mạnh mẽ hơn thị trường nội địa của nước này theo nguyên tắc có đi-có lại với châu Âu, tôn trọng các cộng đồng thiểu số, ngừng các chính sách gây tranh cãi về Hong Kong, đồng thời khẳng định rằng châu Âu sẽ không tiếp tục để Trung Quốc lợi dụng thương mại.
“Châu Âu là một người chơi, không phải một sân chơi”, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh khi đề cập đến việc châu Âu cho rằng Trung Quốc không giữ cam kết thực hiện thương mại tự do và công bằng.
Với giá trị giao dịch trung bình giữa hai bên lên tới hơn 1 tỷ Euro mỗi ngày, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ là thị trường lớn thứ 2 (sau Mỹ) cho hàng hóa và dịch vụ của EU.
EU cáo buộc Trung Quốc phá vỡ hàng loạt quy tắc thương mại toàn cầu, từ sản xuất thép quá mức đến đánh cắp sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.
“Chúng tôi thực sự lo ngại về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và phá bỏ các rào cản”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại cuộc họp báo.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel nói, bà và hai nhà lãnh đạo EU đã hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện rõ quan điểm liệu Bắc Kinh có thực sự muốn một thỏa thuận đầu tư mà đòi hỏi Trung Quốc phải mở cửa thị trường hay không.
“Chúng tôi gây sức ép... để đạt được tiến bộ trong thỏa thuận đầu tư. Nhìn chung, hợp tác với Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc nhất định - có đi có lại, cạnh tranh công bằng", bà Merkel nói.
EU cũng muốn có những cam kết mạnh mẽ hơn về biến đổi khí hậu từ Trung Quốc, quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong các hành động đơn phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh leo thang.
Về đại dịch COVID-19, ông Michel cho rằng, chỉ có hành động tập thể và minh bạch mới có thể khống chế được đại dịch và cách duy nhất để tìm ra vaccine và triển khai ở mọi quốc gia là dựa trên hợp tác toàn cầu. Ông Michel bày tỏ mong muốn tất cả các quốc gia hợp tác đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện về phản ứng y tế quốc tế đối với COVID-19, đồng thời hỗ trợ WHO xác định nguồn gốc của virus.
Phía EU cũng đã bày tỏ quan điểm của khối này về một số chủ đề nóng khác như vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như đạo luật an ninh quốc gia Hong Kong. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đáp trả cứng rắn khi cho rằng Trung Quốc không cần bất cứ một nước nào chỉ bảo về nhân quyền, cũng như không chấp nhận các tiêu chuẩn kép.