Đồng minh tạo sức ép buộc Mỹ ở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran
Các đồng minh phương Tây ngày 23-4 đã tạo áp lực đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, đồng thời, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đích thân thuyết phục ông Trump không từ bỏ thỏa thuận này.
Nhiều nước đồng minh phương Tây tạo sức ép nhằm khiến Tổng thống Mỹ Trump không rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ảnh Reuters |
Trước đây, Tổng thống Mỹ Trump từng tuyên bố rằng nếu các đồng minh Mỹ tại châu Âu không sửa chữa những gì mà ông gọi là “sai sót kinh khủng” trong thỏa thuận hạt nhân trước ngày 12-5 thì ông sẽ khôi phục lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Mỹ ngày 23-4 trong chuyến thăm cấp nhà nước. Ông Macron phát biểu trước khi lên đường sang Mỹ rằng sẽ không có một “kế hoạch B” nào trong việc giữ lại thỏa thuận hạt nhân, Reuters đưa tin.
Vài phút sau khi máy bay của Tổng thống Pháp đáp xuống, Nhà Trắng cho biết rằng họ không chưa có bất kỳ một thông báo nào có liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran. “Tổng thống luôn cho rằng đây thực sự là một thỏa thuận quá tồi tệ. Điều này chắc chắn cũng không thay đổi gì,” Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết.
Thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức ra đời xuất phát từ mối lo ngại của những cường quốc trên thế giới rằng Iran đang cố gắng sản xuất và phát triển vũ khí hạt nhân và đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran bằng cách nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Nhiều người không ủng hộ thỏa thuận này, trong đó có Tổng thống Mỹ Trump, đã cho biết thỏa thuận này không thực sự kiềm chế nổi Iran.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, cả ông Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ gặp ông Trump tại Washington ngày 27-4 tới, sẽ thúc giục Tổng thống Mỹ giữ lại trong thỏa thuận, được chính thức gọi với cái tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA).
“Chúng tôi tin tưởng rằng rất cần thiết phải duy trì thỏa thuận này. Nếu nó thất bại hoặc Mỹ rút khỏi thỏa thuận đó, chúng tôi sẽ không thể có một thỏa thuận tương xứng và chúng tôi lo ngại rằng tình hình sẽ xấu đi đáng kể, ” Ngoại trưởng Đức Maas cho biết.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng cùng quan điểm và cho phóng viên được biết: “Có một quan điểm chủ đạo trên bàn đàm phán (của G7) rằng cúng ta cần đảm bảo JCPOA. Chúng tôi biết rằng Iran có hành động gây rắc rối trong khu vực, chúng tôi cũng phải công nhận rằng Tổng thống Mỹ Trump có một số quan điểm cần được cân nhắc, nhưng chúng tôi tin rằng những điều đó có thể được giải quyết (bên trong thỏa thuận),” Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Anh cho biết.
Iran cho biết nước này sẽ tuân thủ theo các điều khoản trong thỏa thuận miễn là các bên cũng tôn trong trở lại, nhưng cũng sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận nếu Mỹ rút. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 23-4 đã kêu gọi các lãnh đạo châu Âu ủng hộ nước này.
“Hoặc là tất cả hoặc là không có gì. Các lãnh đạo châu Âu nên khuyến khích Tổng thống Mỹ không chỉ tiếp tục thỏa thuận này, mà quan trọng hơn là phải bắt đầu thực hiện vai trò của mình…”, ông Zarif phát biểu trên Twitter.
Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông đã đồng ý với người đồng cấp Trung Quốc để ngăn chặn hành bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm “phá hoại” thỏa thuận này.