Dịch COVID-19 đe dọa khả năng chịu đựng của hệ thống y tế thế giới

Thứ Hai, 26/10/2020, 08:22
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/10 cảnh báo, sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 tại nhiều khu vực trên thế giới đang đe dọa khả năng chịu đựng của hệ thống y tế trong việc đối phó với làn sóng dịch thứ hai.


Tính tới 6h sáng cùng ngày, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 42.906.183 trường hợp, trong đó có 1.154.214 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 31.650.089 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo WHO, nhiều chính phủ đang phải vật lộn để cân bằng giữa các biện pháp hạn chế chống dịch mới với việc phục hồi các nền kinh tế vốn đang rơi vào trì trệ do ảnh hưởng từ các biện pháp cách ly hà khắc từ những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự chán nản của người dân trước các biện pháp cách ly chống dịch, cùng với những khó khăn kinh tế đã khiến cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế mới càng trở nên khó khăn.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo, đại dịch COVID-19 đang đe dọa sẽ xóa sổ những tiến bộ đạt được trong thập kỷ qua về cải thiện hệ thống y tế và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt tại các nước nghèo nhất. Báo cáo cho thấy, hầu hết các nước, đặc biệt là các nước nghèo, đã từng bước đạt được kết quả trong việc cải thiện giáo dục và y tế trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 đang khiến hệ thống y tế thế giới quá tải.

 Mặc dù vậy, WB cho rằng, một trẻ em sống ở đất nước có thu nhập thấp có thể sẽ chỉ đạt được 56% HCI so với một đứa trẻ được tiếp cận với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. HCI bao gồm kiến thức, kỹ năng và sức khỏe mà con người tích lũy được trong suốt cuộc đời, giúp con người nhận ra tiềm năng của mình như là thành viên hữu ích cho xã hội. HCI cũng là công cụ đo mức sống mà một đứa trẻ được sinh ra ngày nay hy vọng có thể đạt được vào năm 18 tuổi.

Chủ tịch WB David Malpass cho rằng, tình trạng mất cân bằng HCI trong trẻ em đang gia tăng và một trong những bằng chứng cho thấy điều này là thế giới hiện có khoảng 80 triệu trẻ em không được tiêm chủng mở rộng cần thiết.

Ông nói: “Chúng tôi nghĩ hơn 1 tỷ trẻ em không được đến trường do dịch bệnh COVID-19 và (chúng) có thể sẽ mất 10 nghìn tỷ USD thu nhập trong suốt cuộc đời sau này”. Ngoài việc cảnh báo tình trạng trẻ em gái sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất cân bằng giới, Chủ tịch WB kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn vào giáo dục.

Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát nghiêm trọng khắp châu Á và châu Âu, lây lan với tốc độ chóng mặt tại Mỹ, buộc nhiều quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.

 Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers, tính đến 6h ngày 25/10, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 42.906.183 trường hợp, trong đó có 1.154.214 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 31.650.089 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh gồm Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Tây Ban Nha.

Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 74.991 ca mắc chỉ trong ngày 24-10, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 8.822.274. Số ca tử vong ở Mỹ do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 230.032. Sự gia tăng đột biến số ca mắc tại Mỹ diễn ra khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống chính thức.

Bang chiến địa như Ohio, Michigan, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các bang ở Trung Tây đang trở thành tâm chấn dịch bệnh. Các chuyên gia y tế chưa xác định chính xác nguyên nhân khiến số ca mắc tăng mạnh, song cảnh báo nhiệt độ lạnh hơn có thể là một yếu tố liên quan, hơn nữa sự mệt mỏi của người dân trước các biện pháp phòng ngừa COVID-19 và sự mở cửa trở lại của các trường đại học, cao đẳng có thể thúc đẩy sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

 Ấn Độ ghi nhận thêm 50.224 ca mắc và 575 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên đến 7.863.892 ca mắc và 118.567 ca tử vong. Quốc gia này là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở châu Á, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Nga ghi nhận thêm 16.512 ca mắc và 296 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại hơn 1,4 triệu trường hợp, trong đó có 25.821 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh cũng đang hoành hành dữ dội nhất ở Mỹ Latinh. Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 24.958 ca mắc và 375 ca tử vong, nâng tổng số lên 5.380.635 ca bệnh và 156.903 ca tử vong. Tiếp đến là  Colombia với 1.007.711 ca mắc và 30.000 ca tử vong. Peru ghi nhận 886.214 ca mắc và 34.095 ca tử vong. Mexico ghi nhận 880.775 ca mắc và 88.312 ca tử vong.

Trong khi đó, tại châu Âu, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới. Một số quốc gia Nam Âu trong tuần này đã ghi nhận số ca mắc theo ngày ở mức cao nhất. Châu Âu chiếm gần 19% số ca tử vong và khoảng 22% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là tâm điểm dịch bệnh. Nước này ghi nhận tổng cộng 714.246 ca mắc và 18.944 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 562.705 sau khi ghi nhận thêm 5.814 trường hợp trong 24h qua. Tổng số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 32.320 trường hợp.

Châu Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Khu vực này chỉ đứng sau Mỹ Latinh và hiện giờ chiếm khoảng 1/4 số ca mắc trên toàn cầu. Khu vực Nam Á là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, chiếm gần 21% số ca mắc và 12% số ca tử vong trên toàn cầu.

Các quốc gia tại châu Á nhìn chung đã có sự cải thiện trong biện pháp xử lý đại dịch trong những tuần gần đây. Một số nơi như Ấn Độ, số ca mắc theo ngày đã chậm lại, trái ngược hẳn với làn sóng tái bùng phát COVID-19 tại châu Âu và Bắc Mỹ. Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, Nhật Bản cũng đang kiềm chế được số ca mắc.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh tại Ấn Độ có thể tái bùng phát mạnh mẽ khi kỳ nghỉ lễ và mùa đông đang đến gần, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nông dân đốt rơm rạ, làm nghiêm trọng thêm tình trạng khó thở mà nhiều bệnh nhân COVID-19 mắc phải. Quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 tại châu Á là Bangladesh. Khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Philippines đều nằm trong top 20 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, theo xếp hạng của Worldometers. Indonesia đã vượt Philippines và trở thành tâm chấn dịch bệnh với 385.980 ca mắc và 13.205 ca tử vong.

Là đất nước có phần đông dân số là người Hồi giáo, Indonesia đang phải gồng mình để kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, Philippines đứng thứ 2 với 367.819 ca mắc và 6.934 ca tử vong. Chính phủ Philippines đã áp đặt các biện pháp hạn chế xung quanh thủ đô Manila đến ngày 31/10.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.