Đề xuất cải cách thuế của Tổng thống Mỹ: Nói dễ, làm khó
- Tổng thống Mỹ và lần đầu tiên đăng đàn “dậy sóng” Liên Hiệp Quốc
- Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh "cắt nguồn tài chính của Triều Tiên"
- Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng hàng triệu người Mỹ tưởng nhớ nạn nhân 11-9
- Tổng thống Mỹ: "Đàm phán" không giải quyết được vấn đề Triều Tiên
Giải thích cho quyết định của mình, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết kế hoạch thuế này là nhằm giúp đỡ những người lao động, tạo việc làm và làm cho hệ thống đơn giản hơn và công bằng hơn. Tuy nhiên, kế hoạch này còn quá ít chi tiết về việc làm thế nào để bù đắp cho những khoản cắt giảm thuế này mà không khiến ngân sách thêm thâm hụt cũng như chưa xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề nợ công của Mỹ hiện đang ở mức 20.000 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một bức tranh với những nét phác thảo quá sơ sài và ít thông tin về chính sách thuế mới như vậy khiến các nhà lập pháp, thậm chí ngay trong Đảng Cộng hòa tỏ ra hoài nghi. Và vấn đề mấu chốt là lo ngại bùng phát thâm hụt ngân sách liên bang.
Chủ tịch đảng Cộng hòa Mitch McConnell phát biểu tại buổi họp báo thông tin về cải cách thuế mới. |
Thượng nghĩ sỹ Đảng Cộng hòa Bob Corker tuyên bố ông sẽ không bỏ phiếu bất cứ gói cải cách thuế nào được tài trợ bằng vốn vay và gây thất thu ngân sách: “Tôi có thể nói với bạn rằng tôi sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ dự luật nào làm tăng thâm hụt ngân sách của chúng tôi”.
Còn các nghị sỹ Dân chủ thì phản đối kịch liệt và khẳng định sẽ làm mọi cách ngăn chặn chính sách này tại Quốc hội. Nhiều thành viên đảng Dân chủ cho rằng kế hoạch này sẽ khiến thâm hụt ngân sách ở mức cao, có lợi cho người giàu thay vì những gia đình trung lưu, thu nhập thấp. Ông Chuck Schumer, nhân vật cấp cao nhất của Đảng Dân chủ trong Thượng viện Mỹ khẳng định, theo kế hoạch thì những người Mỹ giàu nhất và những công ty giàu nhất sẽ được lợi, còn tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp thì “có tiếng mà không có miếng”.
Chưa hết, kế hoạch này vẫn phải được chuyển thành luật, điều khó có thể thực hiện cho đến sau khi Quốc hội thảo luận về kế hoạch ngân sách năm 2018, có lẽ vào tháng 10. Sau đó nó phải được thảo luận bởi Ủy ban thuế của Quốc hội do đảng Cộng hòa lãnh đạo. Giới phân tích cảnh báo rằng, việc cắt giảm thuế mạnh tay sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ phình to nếu mức tăng trưởng kinh tế mà chính phủ Mỹ kỳ vọng đạt được để bù đắp không trở thành sự thật. Do đó, để được thông qua tại Quốc hội thì đề xuất này vẫn cần phải trải qua rất nhiều tranh cãi và điều chỉnh.
Theo đề xuất mới, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ giảm mạnh thuế thu nhập cho các tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ, đồng thời giảm mức thuế thu nhập cao nhất đối với các cá nhân có thu nhập cao và loại bỏ một số khoản giảm thuế, trong đó có một khoản trợ cấp cho những người ở các bang có thuế cao do đảng Dân chủ thống trị.
Cụ thể, kế hoạch này sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người thu nhập cao từ 39,6% xuống còn 35%, tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế tiêu chuẩn, đưa ra quy định về một khoản thu nhập nhất định không phải đóng thuế cho tất cả người dân. Đối với doanh nghiệp, dù không đề xuất giảm thuế xuống còn 15% như cam kết tranh cử, song nhà lãnh đạo Mỹ đề nghị áp thuế doanh nghiệp 20% từ mức 35% hiện nay.
Tổng thống Donald Trump cho biết thuế suất hiện tại là yếu tố ngăn cản kinh tế phát triển, gọi đợt giảm thuế của đảng Cộng hòa là “lớn nhất, cơ bản nhất trong lịch sử Mỹ”. “Tôi chờ đợi điều này đã lâu. Đây là thay đổi mang tính cách mạng, người chiến thắng lớn nhất sẽ là người lao động thuộc tầng lớp trung lưu vì nền kinh tế có thêm việc làm, khi các công ty bắt đầu cạnh tranh để tuyển lao động Mỹ và lương bổng tiếp tục tăng”, ông Trump nói.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Paul Ryan cho biết: “Đây là cơ hội độc nhất trong đời giúp có thêm việc làm, giúp thuế công bằng hơn và thêm nhiều tiền hơn cho các gia đình Mỹ”. Giới lập pháp Mỹ từng thực hiện cải cách thuế lớn năm 1986. “Nhiều gia đình và doanh nghiệp nhỏ chăm chỉ không thể chờ đợi thêm nữa”, ông Ryan nói. Ngoài ra, kế hoạch thuế mới cũng khuyến khích các hãng đem lợi nhuận tích lũy ở nước ngoài về Mỹ bằng cách cung cấp mức thuế một lần, đánh thuế thấp với tài sản được hồi hương.