Cuộc đua thành lập chính phủ liên minh giữa các đảng phái ở Thái Lan

Thứ Tư, 27/03/2019, 06:16
Dù Ủy ban bầu cử (EC) của Thái Lan chưa công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử hôm 24-3 song hai đảng đang dẫn đầu cuộc bầu cử (theo kết quả sơ bộ) là đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath) và đảng Vì nước Thái (Phue Thai) vẫn đang ráo riết thành lập chính phủ liên minh.


Thông tin từ tờ Bangkokpost cho hay, EC sẽ chính thức công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử vào ngày 5-4. Kết quả sơ bộ sẽ được thông báo vào ngày 29-3. 

Trước đó, vào 14h ngày 25-3, EC tuyên bố kiểm được 95% số phiếu bầu nhưng nhận được khá nhiều khiếu nại về lỗi trong công tác kiểm phiếu cũng như các trường hợp vi phạm quy định trong tiến hành bầu cử tại địa điểm bỏ phiếu và cả khả năng tin tặc xâm nhập vào hệ thống máy tính của ủy ban bầu cử. 

Vì thế, EC quyết định sẽ kéo dài thời gian công bố kết quả để có cuộc kiểm tra đầy đủ, chuẩn xác, nhất là với 1,9 triệu phiếu bầu không hợp lệ. 

Tuy nhiên, EC lại có động thái gây khá nhiều tranh cãi khi công bố danh sách chưa chính thức các ứng viên trúng cử vào Hạ viện tại 350 khu vực bầu cử trên khắp 77 tỉnh thành của Thái Lan (danh sách chính thức sẽ được công bố vào ngày 9-5). 

Theo đó, đảng Pheu Thai vẫn là đảng giành được nhiều ghế nhất khi dẫn đầu với 138 hạ nghị sĩ khu vực. Đảng Palang Pracharat ủng hộ phe quân sự đứng thứ hai với 97 ghế. Đảng Tự hào Thái đứng thứ 3 với 39 ghế, đảng Dân chủ về thứ 4 với 33 ghế và thứ 5 là đảng Hướng tới tương lai với 33 ghế.

Với kết quả mới được EC công bố chiều 25-3, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha (giữa) đang hy vọng sẽ tiếp tục nắm vị trí cầm quyền thêm nhiệm kỳ nữa. Trong ảnh, ông đang gặp gỡ cử tri ở công viên Lumphini tại thủ đô Bangkok hôm 20-3.  Ảnh: Getty

Ngoài số Hạ nghị sĩ này, còn có 150 thành viên hạ viện khác được tính toán dựa trên số lượng phiếu và số ứng viên đã trúng cử của mỗi đảng để phân bổ theo luật. Đồng thời, EC cũng công bố số phiếu mà các đảng giành được sau khi đã kiểm được 95%  phiếu bầu, trong đó  đảng Palang Pracharat dẫn đầu với 7,9 triệu phiếu; Pheu Thai có 7 triệu phiếu và đảng Hướng tới tương lai là 5,8 triệu phiếu.

Như vậy, dựa vào tỷ lệ phiếu được EC công bố chiều 25-3, rõ ràng, tương quan lực lượng giữa đảng ủng hộ chính quyền quân sự Palang Pracharath và đảng đối lập Pheu Thai là gần như nhau. 

Đáng chú ý là dù đảng Palang Pracharath có dẫn đầu thì cũng không đủ số phiếu để thành lập chính phủ trừ khi liên minh với một số đảng nhỏ để có thể vượt qua được con số 126 ghế trong Hạ viện để có quyền thành lập chính phủ vì họ đã nhận được sự hậu thuẫn của 250 thành viên Thượng viện do Hội đồng Quốc gia vì hoà bình và trật tự (NCPO) bổ nhiệm. 

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Bangkok, người phát ngôn đảng Palang Pracharath Kobsak Pootrakool cho biết đảng này sẽ đàm phán với các đảng cùng chung ý tưởng và lập trường nhằm đưa đất nước Thái Lan tiến lên phía trước nhưng tiến trình này cũng mất một khoảng thời gian và chính phủ Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Cha-ocha rất mong nhận được sự ủng hộ của các cử tri và các đảng khác.

Trong khi đó, đảng đối lập Pheu Thai cũng gấp rút thực hiện kế hoạch tìm kiếm đồng minh để thành lập chính phủ liên minh. Theo luật, đảng Pheu Thai phải tập hợp được một liên minh với 251 ghế ở Hạ viện để thành lập chính phủ và đủ 376 ghế để bầu Thủ tướng tại lưỡng viện. 

Nhưng điều này chỉ xảy ra khi tất cả các đảng còn lại (trừPalang Pracharath) ủng hộ đảng Pheu Thai. Từ sáng sớm 26-3, lãnh đạo Pheu Thai đã tất bật cho kế hoạch kêu gọi liên minh của mình. 

Ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng của đảng Pheu Thai, Sudarat Keyuraphan thông báo trước báo giới: "Từ ngày hôm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán với các đảng khác (để thành lập chính phủ)”. 

Bà Sudarat Keyuraphan cũng nêu rõ việc thành lập chính phủ phải đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tổng thư ký của đảng Pheu Thai Phumtham Wechayacha thì kêu gọi các đảng phái khác cùng tham gia với Pheu Thai để thành lập chính phủ dân sự mới. 

Đảng Tự hào Thái đứng vị trí thứ 3 trong danh sách ghế ở Hạ viện tuy chưa có tuyên bố gì nhưng theo nhận định của các nhà phân tích, đảng này cũng khó có khả năng đứng ra tổ chức một liên minh cho riêng mình vì số ghế quá thấp cho dù Chủ tịch đảng Hướng tới tương lai (xếp ở vị trí thứ 5) đã sớm lên tiếng về sự ủng hộ của mình đối với đối thủ này. 

Còn đảng Dân chủ do quá thất vọng về kết quả nên chưa có kế hoạch cho bước tiếp theo. Một số đảng tầm trung khác như Tự hào Thái thì tuyên bố, họ chờ vào kết quả công bố chính thức của EC thì sẽ có hoạch định để đi theo phe nào. 

Được biết, hôm 24-3, hơn 50 triệu cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo mới của đất nước. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên theo Hiến pháp mới năm 2017 và được đánh dấu một bước quá độ sang thiết lập lại một chính phủ dân bầu.

Gia Nam
.
.
.