Cử tri Ai Cập bắt đầu bỏ phiếu bầu Tổng thống

Thứ Ba, 27/03/2018, 09:12
Ngày 26-3, cử tri Ai Cập bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu ra người đứng đầu nhà nước cho nhiệm kỳ 4 năm tới.


Cuộc bầu cử này được đánh giá là một cuộc đua không cân sức giữa đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi, 64 tuổi, người được đánh giá là một chính trị gia “xuất chúng” ở trong nước và khu vực, với đối thủ duy nhất là nhà lãnh đạo đảng al-Ghad Moussa Mostafa Moussa, 66 tuổi, một nhân vật ít tên tuổi. 

Hay nói cách khác, cuộc bầu cử lần này chỉ là một sự nhắc lại về niềm tin của người dân Ai Cập đối với Tổng thống El-Sisi.

An ninh được thắt chặt

Cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 26 – 28-3. Theo Cơ quan Bầu cử Quốc gia Ai Cập (NEA), khoảng 59 triệu cử tri đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử tổng thống lần này và các cử tri có thể sử dụng công cụ tìm kiếm trên trang thông tin điện tử của cơ quan này để tìm các điểm bầu cử thuận lợi cho họ bằng cách điền số thẻ căn cước của mình. 

Tại một điểm bỏ phiếu ở Thủ đô Cairo. Ảnh: Reuters

Các khu vực tập trung đông cử tri nhất gồm có Thủ đô Cairo với 7,5 triệu cử tri, tiếp theo là Giza với 5,2 triệu, Sharqiya với 4 triệu cử tri và Alexandria với 3,8 triệu cử tri. Trước đó, cuộc bỏ phiếu dành cho công dân Ai Cập ở nước ngoài đã diễn ra từ ngày 16 – 18-3 tại 124 quốc gia trên thế giới, ngoại trừ 4 nước Syria, Yemen, Libya và Somalia.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Ai Cập đang phải đối mặt với làn sóng các vụ tấn công khủng bố làm hàng trăm cảnh sát và binh sĩ của quân đội nước này thiệt mạng. 

Các vụ tấn công khủng bố trên chủ yếu diễn ra tại khu vực phía Bắc bán đảo Sinai nhằm vào các lực lượng an ninh và cộng đồng thiểu số tín đồ Cơ Đốc giáo, trong đó phần lớn là do chi nhánh của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại đây thực hiện. 

Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử, nhà chức trách Ai Cập đã triển khai các biện pháp an ninh đặc biệt, huy động hơn 200.000 cảnh sát và quân đội.

Ngoài tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trước đó, Bộ Nội vụ Ai Cập ngày 25-3 cũng đưa ra mức cảnh báo an ninh cao trên khắp đất nước. Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng được Ai Cập chuẩn bị rất cẩn thận. Có gần 18.000 thẩm phán tham gia giám sát cuộc bầu cử, cùng với 110.000 nhân viên phục vụ tại các điểm bầu cử trên khắp cả nước. 

Quá trình kiểm phiếu sẽ diễn ra ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào đêm 28-3. Theo NEA, cơ quan này đã cho phép 54 tổ chức phi chính phủ ở Ai Cập cũng 15 tổ chức quốc tế, châu Phi và Arab giám sát cuộc bầu cử.

Chiến thắng trong tầm tay

Có thể khẳng định, vị thế và uy tín của đương kim Tổng thống El-Sisi đang ngày một tăng, sau khi ông để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong khoảng thời gian ngắn cầm quyền. 

Đa số nghị sĩ trong quốc hội, cũng như các đảng phái chính trị và đông đảo người dân Ai Cập đều ủng hộ ông tiếp tục làm tổng thống nhiệm kỳ 4 năm thứ hai, muốn ông tiếp tục lãnh đạo đất nước để thực hiện các “đại dự án kinh tế”, duy trì an ninh, cải thiện hệ thống giáo dục và đẩy mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. 

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 6-2014 tới nay, nhà lãnh đạo này đã đưa Ai Cập thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực và tránh xung đột dai dẳng như ở Syria, Yemen hay Libya, cũng như dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do bất ổn chính trị và an ninh. Đồng thời, khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế. 

Bên cạnh đó, Tổng thống El-Sisi liên tục cải tổ nội các để xây dựng một bộ máy hiệu quả, cũng như thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng nhằm giảm thâm hụt ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo việc làm.

Về đối ngoại, dưới thời Tổng thống El-Sisi, xứ sở Kim tự tháp theo đuổi chính sách ngoại giao tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, nhất là với quốc gia trong khu vực, Nga, Mỹ và các nước châu Âu, đồng thời đẩy mạnh ngoại giao kinh tế với các quốc gia có tiềm lực ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore... 

Trong khi đó, ông Moussa vẫn là nhân vật ít tên tuổi khi mới chỉ tham gia chính trường từ năm 2005 với chức Phó Chủ tịch đảng al-Ghad, đảng được nhà hoạt động chính trị Ayman Nour thành lập trước đó một năm và cuối năm 2005 trở thành Chủ tịch đảng này. Đảng al-Ghad hiện không có ghế nào trong quốc hội và hầu như bị bỏ ngoài cuộc trong những năm gần đây. 

Theo giới chuyên gia, tình hình trong nước và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay là dấu hiệu về một nhiệm kỳ không êm ả với nhiều thách thức lớn cho ứng cử viên nào thắng cử. 

An ninh vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo mới của Ai Cập, bất chấp Chiến dịch Sinai 2018 - một chiến dịch quy mô lớn nhằm truy quét các tổ chức khủng bố và tội phạm ở bán đảo Sinai và nhiều nơi trên khắp đất nước, đang được triển khai rầm rộ. 

Bên cạnh thách thức về an ninh, tân Tổng thống Ai Cập cũng sẽ phải đương đầu với những lo toan trong điều hành nền kinh tế.

Giới chuyên gia nhận định rằng, nhiều vấn đề nội tại chưa được giải quyết, cùng với đó là sự bất mãn của một bộ phận dân chúng về các chính sách kinh tế và những giải pháp an ninh hiện nay, cũng tạo ra nguy cơ đẩy xã hội Ai Cập vào tình trạng bất ổn, thậm chí có thể bị lợi dụng để kích động làn sóng chống đối. 

Để đảm bảo an ninh cũng như ổn định kinh tế, Chính phủ Ai Cập cần chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy các cải cách kinh tế theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu từ nước ngoài, cũng như tăng cường các chính sách an sinh nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.